Kinh tế có dấu hiệu hồi phục

Chiều ngày 10/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2017. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, bước sang Quý 2, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong Quý 2. Tính chung sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85% trong hai quý đầu năm. Đây là mức cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đã tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cho thấy rõ sự phục hồi sau một năm suy giảm do các yếu tố bất lợi bên ngoài. Tăng trưởng khu vực này trong nửa đầu năm đạt 2,65%, thậm chí cao hơn mức tăng 2,22% của năm 2015. Trong đó, ngành thủy sản tăng trưởng mạnh nhờ những thuận lợi về cả thời tiết và giá cả (tăng 5,08% so với cùng kỳ năm trước).

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ hai năm trước đó (năm 2015: 9,36%; 2016: 7,36%; 2017: 5,81%). Tuy nhiên, khác với Quý 1, suy giảm công nghiệp trong Quý 2 chỉ đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước). VERP cho rằng, khu vực công nghiệp giảm sâu trong Quý 1 chỉ mang tính thời vụ, không phản ánh xu hướng dài hạn của nền kinh tế.

Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, tăng trưởng tín dụng và PMI sản xuất cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số VEPI cải thiện nhẹ hơn so với tăng trưởng kinh tế do không bị sụt giảm đáng kể trong Quý 1. Cụ thể, VEPI đạt 6,0% trong Quý 2, cao hơn so với cả quý trước và cùng kỳ năm 2016 (5,77% và 5,35%). Đây là kết quả của mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại và tín dụng trong quý này.

Tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều vào khối ngoại

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng trưởng ổn định về cả số lượng cũng như vốn đăng ký. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao trong khi quy mô việc làm tạo ra lại có chiều hướng suy giảm. Số việc làm tạo mới trong nửa đầu năm nay giảm 2,8% so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 627,3 nghìn người. Không chỉ suy giảm trong việc làm mới, số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp cũng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Tăng trưởng số lượng lao động tại thời điểm 01/06/2017 chỉ đạt 3,5% cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (2015: 6,6%, 2016: 5,9%).

Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự được cải thiện. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Samsung.

TS. Nguyễn Đức Thành dẫn chứng, nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.

Với dòng FDI lớn, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Ông Thành nhấn mạnh: "Những điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng".


TS. Đặng Đức Thành báo cáo tại buổi Tọa đàm

Lạm phát giảm sâu

Lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong Quý 2, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh xuống còn 4,30%, 3,19% và 2,54% trong ba tháng của quý này. Giá cả giảm mạnh đã giúp kiềm chế ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ công tới lạm phát toàn phần. Lạm phát giảm sâu cũng tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện một số điều chỉnh về giá một số mặt hàng khác như điện.

Quý 2 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 05 năm qua. Đặc biệt, xuất khẩu tăng tốc từ mức tăng trưởng 12,8% của quý trước lên 24,5% trong Quý 2. Tính chung nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa trong Quý 2 tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đạt 26,8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 54,8 tỷ USD trong Quý 2 và 100,5 tỷ USD trong hai quý đầu năm. Do đó, dù giảm nhẹ xuống còn 0,7 tỷ USD trong Quý 2, thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn ở mức 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017.

Về ngân sách, bội chi NSNN giảm đáng kể trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Bội chi ngân sách ước tính chỉ ở mức 32,5 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (2015: 95 nghìn tỷ, 2016: 82,9 nghìn tỷ).


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm

Về thị trường ngoại hối, trái ngược với xu hướng biến động mạnh trong Quý 1, tỷ giá diễn biến tương đối ổn định trong Quý 2/2017. Tính đến hết tháng Sáu, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố ở mức 22.431 VND/USD, tăng 0,7% so với thời điểm cuối Quý 1/2017.

Trái ngược với năm 2016, tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng nhanh khiến chênh lệch huy động-tín dụng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Tính tới thời điểm 20/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Đặc biệt, tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong những tháng Quý 2 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu tăng trưởng năm nay không đạt được như mức Chính phủ đã đề ra sẽ là 2 năm liên tục không đạt được tăng trưởng theo Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, chi ngân sách và nợ công vượt ngưỡng đề ra. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tiềm năng để đạt được mức tăng trưởng vẫn là ở mục tiêu cải cách. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước cần phải nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí khi đó hiệu quả đạt được sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, bởi vì các báo cáo hiện nay đều ghi nhận, kinh tế tư nhân không phát triển được bao nhiêu.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt 5,89% cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động thấp tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay. Tuy nhiên, trái ngược với những gì diễn ra trong năm 2015, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thậm chí vẫn giảm mạnh trong Quý 2/2017. Cụ thể, lãi suất qua đêm bình quân đạt 1,47% trong tháng Sáu, giảm 3,24 điểm phần trăm so với cuối quý trước; lãi suất kỳ hạn một tuần cũng giảm xuống còn 1,84%.

Lãi suất huy động duy trì khá ổn định, chỉ tăng nhẹ đối với các gói huy động dài hạn tại một số NHTM lớn nhằm cải thiện nguồn vốn trung và dài hạn. Lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Trong khi đó, lãi suất huy động ngắn hạn và trung hạn lần lượt nằm trong khoảng 4,5%-5,4% và 5,4%-6,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều biến động trong quý, phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với các gói vay kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với các gói vay trung và dài hạn.

Những điều kiện này kết hợp với mức lạm phát thấp khiến NHNN đã quyết định hạ lãi suất điều hành vào ngày 10/7/2017. Theo đó, các loại lãi suất điều hành đồng loạt hạ 0,25 điểm phần trăm và trần lãi suất cho vay cũng giảm 0,5 điểm phần trăm.

Dự báo tăng trưởng cả năm chỉ đạt 6,4%

Năm 2017 có đặc điểm khác biệt là ngay từ đầu năm Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mức kém khả thi.

Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi, VERP dự báo tăng trưởng hai quý tiếp theo sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước

Tuy nhiên, VERP cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp FDI lớn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm trong quy mô lao động hoạt động cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong việc cạnh tranh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không.

Về lạm phát, với mức giá giảm xuống thấp như trong Quý 2, VERP cho rằng Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.

Nhận định về khả năng tăng trưởng 6 tháng cuối năm, TS. Võ Trí Thành cho rằng mức tăng trưởng đã đến cận tiềm năng. Nếu ở dưới mức tiềm năng thì kích cầu rất quan trọng, nhưng đã khi đã cận tiềm năng thì Chính phủ phải cải cách để kích nguồn cung. Tăng trưởng đi đôi với chất lượng là thông điệp dễ bị nhầm lẫn và mang tính áp đặt chỉ huy. Trong khi thông điệp cần hướng tới là chuyển dần sang cơ chế thị trường nên thông điệp vĩ mô nếu không thận trọng, chỉ nhìn vào ngắn hạn để có tăng trưởng là thiếu nhất quán. Khi dồn sức cho tăng trưởng sẽ dễ bỏ quên cải cách, hoặc tăng cải cách để gia tăng năng suất giá trị gia tăng rồi lại phải dừng lại để hướng đến tăng trưởng.

Đối với chi ngân sách, thực trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, thị trường việc làm cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ cấp thiết.

Trong khi đó, chi thường xuyên không những không giảm đi mà thậm chí còn tăng với tốc độ cao hơn so với các năm trước dẫn tới sự gia tăng không ngừng của chi ngân sách cho trả nợ cả gốc và lãi.Do đó, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn khỏi các DNNN cũng như nâng cao hiệu quả chi phí quản trị nhà nước.

Đồng thời, để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, việc thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn.

Trên thị trường tài chính, tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009. VERP cảnh báo đây là một thực tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn.

VERP cũng lưu ý về khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường, dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này./.