Tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào Samsung

Trong báo cáo trên, các chuyên gia của HSBC khẳng định, nền tảng kinh tế Viêt Nam vẫn vững chắc.

Bất chấp bức tranh kinh tế đầu năm khá ảm đạm, kết quả khả quan của Việt Nam trong quý II/2017 quay trở lại đã khẳng định nền tảng kinh tế mạnh mẽ của đất nước.

Chỉ số PMI tháng Sáu tăng lên 52,5 điểm sau khi được ghi nhận giảm sút trong tháng Năm: Dữ liệu về chỉ số PMI tháng Sáu cho thấy lĩnh vực sản xuất đã phục hồi đáng kể sau khi chỉ đạt 51,6 điểm trong tháng Năm, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua.

Các đơn hàng mới đã thúc đẩy gia tăng chỉ số PMI trong tháng Sáu, đạt mức tăng 2,1 điểm so với tháng trước, trong khi tồn kho hàng thành phẩm lại giảm. Số lượng đơn hàng mới trong và ngoài nước đều cao hơn đã hỗ trợ cho sản lượng và nhân công tiếp tục tăng nhanh hơn so tháng trước.

Lạm phát hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp. Cụ thể, lạm phát toàn phần tháng Sáu tăng 2,5% so cùng kỳ năm nhưng vẫn chậm hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Các chi phí thực phẩm và giá dầu giảm là những nguyên nhân chính giúp lạm phát hạ nhiệt.

Trong tháng Năm, lạm phát toàn phần giảm 0,5 điểm phần trăm so với tháng trước đó do giá thực phẩm và vận tải giảm.

Trước thực tế đó, HSBC đã điều chỉnh giảm dự báo lạm phát trong năm nay và năm 2018 xuống lần lượt là 2,6% và 2,8% so cùng kì năm (từ mức 4,4% và 4%). Trong khi đó, lạm phát cơ bản duy trì ở mức 1,3% so cùng kỳ năm, bằng chỉ số của tháng Năm.

“Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro đang tăng lên trong nửa cuối năm, khi chi phí y tế tiếp tục gia tăng trong lúc các chính sách cải tổ trợ giá đang tiếp tục. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo áp lực về giá tăng lên trong dài hạn, do điều chỉnh tăng lương có khả năng bắt đầu vào tháng Bảy và điều kiện thời tiết không thuật lợi trong nửa cuối năm”, báo cáo nêu rõ.

Các chuyên gia của HSBC cũng đã chỉ ra rằng, dữ liệu quý II/2017 càng cho thấy rõ, sự phụ thuộc của đất nước vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu (cụ thể là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) trong việc duy trì tăng trưởng.

Với tăng trưởng 6,2%, mức tăng nhanh hơn dự báo ban đầu của nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2017 có được là nhờ vào sự gia tăng xuất khẩu và sản lượng công nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng điện thoại thông minh.

Lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của cả nước, vẫn ổn định. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng trong quý II/2017 là tín hiệu khả quan cho các tháng còn lại của năm.

Vẫn điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2017

Do khởi đầu chậm chạp trong quý I, nên dù quý II đã có sự tăng tốc, song các chuyên gia của HSBC vẫn điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 của Việt Nam từ 6,4% xuống còn 6,0%,.

Cụ thể, tăng trưởng trong quý I/2017 chạm mức thấp nhất trong ba năm với mức 5,2%, chủ yếu là do xuất khầu mặt hàng điện tử sụt giảm.

HSBC nhận định, việc Công ty điện tử Samsung, vốn chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất Sang quý II/2017, sản xuất công nghiệp tăng lên do việc lắp ráp Samsung Galaxy S8 đã bắt đầu vào guồng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý II tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái nhờ vào sản xuất thiết bị truyền thông tăng mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng cũng phát triển trong quý 2, tăng lên 12% so cùng kỳ năm (từ mức 4,8% trong quý 1).

Cuối cùng, lĩnh vực dịch vụ vẫn là một thế mạnh của Việt Nam nhờ vào nguồn lợi từ du lịch. Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO), ước tính có khoảng 6,2 triệu khách du lịch đã đến Việt Nam trong nủa đầu năm 2017, tăng 30,2% so cùng kỳ năm.

Chỉ tính trong tháng Sáu Việt Nam đã đón 950.000 khách du lịch, tăng 33,6% so cùng kỳ năm, dẫn đến sự tăng trưởng các ngành dịch vụ liên quan đến ẩm thực và chỗ ở.

Dự báo, ngoại trừ trường hợp thiên tai, du lịch vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian còn lại của năm, đặc biệt là khi Chính phủ mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực vào tháng 6/2018,

Tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong chừng mực nào đó, đã bị kéo lại do lĩnh vực khai khoáng tiếp tục đi xuống. Công nghiệp khai thác đá và khoáng sản đã co lại trong sáu quý liên tiếp, trong đó quý II/2017 sụt giảm 7,6%.

Sự trì trệ trong lĩnh vực khai khoáng là một phần lý do Việt Nam trong thời gian qua không thể liên tục đạt được tăng trưởng cao hơn, bất chấp tín hiệu khả quan trong những lĩnh vực khác.

Khó mà xác định được nguyên nhân chính xác của sự sụt giảm đáng kể trong lĩnh vực khai khoáng, nhưng đó có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố: sự sụt giảm giá than trong thời gian gần đây, sự gia tăng thuế tài nguyên môi trường (đã triển khai vào tháng Bảy năm 2016) và chi phí sản xuất gia tăng do việc tiếp cận các tầng than trở nên khó khăn hơn.Trong khi đó, việc công nghiệp chiết xuất hầu hết do các doanh nghiệp quốc doanh như Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kiểm soát, đang có những ảnh hưởng tiêu cực lên doanh thu của Chính phủ./.