Đây là chia sẻ của ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Phó trưởng nhóm công tác kinh tế số tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 năm 2017.

Doanh nghiệp kinh tế số chưa được tạo điều kiện

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghệ (CMC) khẳng định, phát triển kinh tế số là một động lực để tạo ra giá trị gia tăng và những sức mạnh đột phá về năng lực phát triển bền vững.

Dẫn số liệu chứng minh, ông Chính cho biết, những năm gần đây, đã có tới 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số. Lĩnh vực này cũng đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng trên mỗi lao động kinh tế số lớn gấp 3 lần trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Chính cũng cho rằng, các doanh nghiệp kinh tế số ở Việt Nam vẫn chưa được tạo điều kiện do chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp mới theo các mô hình kinh doanh mới.

“Điều này xuất phát từ việc nhận thức về lĩnh vực kinh tế số còn chưa được đầy đủ, đặc biệt là ở nhóm những người làm chính sách và những người tạo thuận lợi về mặt môi trường kinh doanh ổn định bền vững”, ông Chính nêu rõ.

Nhận thức về kinh tế số còn chưa đầy đủ

Không những không được tạo điều kiện, các doanh nghiệp tư nhân kinh tế số còn chịu bị phân biệt đối xử với thành phần kinh tế khác.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền, một số dự án đã hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, hiện vẫn đang có sự trợ giá không lành mạnh đối với doanh nghiệp nhà nước.

Ông Ngọc chỉ rõ, thực tế hiện nay, doanh nghiệp viễn thông vừa phải đóng phí thương quyền vào ngân sách 0,5% trên tổng doanh, vừa phải đóng phí viễn thông công ích là 1,5% doanh thu (Quỹ này không nằm trong ngân sách nhà nước).

“Như vậy đã tạo ra cho doanh nghiệp viễn thông phải chịu “một cổ hai tròng” với tổng phí 2% doanh thu. Đây là mức thuế quá lớn đối với doanh nghiệp, chưa kể các loại phí, thuế phí khác”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Trong khi internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế xã hội, văn hóa ngày nay, đáng lẽ doanh nghiệp phải được hỗ trợ, được khuyến khích thì lại bị “đè” ra để nộp thuế 2%.

Cần phải làm gì?

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh tế số phát triển, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hạn chế sử dụng tiền mặt, hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, từng bước chấp nhận hợp đồng điện tử, yêu cầu đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, tạo hạ tầng thanh toán mạnh cho các giao dịch điện tử

Các doanh nghiệp và các tổ chức đẩy mạnh tin học hóa, số hóa các hoạt động và phải có các văn bản quy phạm chuẩn về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có lộ trình cụ thể với các mốc theo các giai đoạn, các mức độ, cấp bậc của dịch vụ công trực tuyến và dành ngân sách thỏa đáng cho các chương trình này.

Về nguồn lực cho phát triển kinh tế số, ông Chính cho rằng, cần tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên ICT và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số được phát triển tại Việt Nam.

“Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm, với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà doanh nghiệp phần mềm triển khai hoạt động tại đó. Quan trọng nhất là phải tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước”, ông Chính kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Quang Ngọc cũng cho rằng, không nên phân biệt thành phần kinh tế tham gia các chương trình tin học hoá cho khu vực công quyền. Bên cạnh đó, cũng đề xuất, nên bỏ phí viễn thông công ích, bởi việc đóng góp công ích là tự nguyện của doanh nghiệp không nên có quy định.

Phản hồi trước những ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trần Xuân Hà cho biết, có vướng mắc gì, thì doanh nghiệp và Nhà nước cũng ngồi lại với nhau bàn bạc để sửa đổi. Ông Hà cũng khẳng định, khu vực tư nhân có thể hoàn toàn tham gia tất cả những lĩnh vực nhà nước không cấm và tinh thần này sẽ được sửa đổi trong Nghị quyết 36a.

Tuy nhiên, với vấn đề bãi bỏ phí viễn thông công ích, ông Hà khẳng định rằng, không thể bỏ được phí viễn thông công ích, vì đây là nguồn vốn quan trọng dùng để xây dựng hạ tầng dịch vụ viễn thông cho vùng sâu vùng xa, nhằm giảm khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo sự hài hòa cân bằng cho phát triển kinh tế.

Song, trên cơ sở thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có phương án điều chỉnh phí này từ 1,5% xuống còn 0,7% để giảm bớt gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Ngược lại, ông Hà cũng mong rằng, các doanh nghiệp phải bình đẳng và tuân thủ luật pháp, bởi có những doanh nghiệp đến nay vẫn chưa đóng phí viễn thông công ích./.