Trên cơ sở đó, khuyến nghị một số thay đổi về pháp lý hiện hành để đạt được mục tiêu từng bước nâng cao thứ hạng Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số từ thứ 87/189 (năm 2016) lên thứ 80 (năm 2017) và 60 (năm 2020) theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Thực trạng mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam

Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số thuộc Báo cáo Doing Business của WB, cung cấp dữ liệu về 38 khía cạnh liên quan đến quản trị doanh nghiệp, được chia thành 02 nhóm, mỗi nhóm gồm 03 chỉ số thành phần (Bảng 1).

Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ cổ đông rất được quan tâm, thể hiện bằng việc khuôn khổ pháp luật về bảo vệ cổ đông đã được hoàn hiện hơn. Thông tư số 121/2012/TT-BTC, ngày 26/07/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng nêu rõ, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần đã được thanh toán đầy đủ và được ghi trong sổ cổ đông của công ty, trừ một số trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, điều lệ công ty và quyết định của đại hội đồng cổ đông; Quyền được đối xử công bằng; Quyền được thông báo đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường về hoạt động của công ty; Quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty; Quyền bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình... Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã quy định mức tối thiểu bảo vệ cổ đông cao hơn, mở rộng quyền tiếp cận thông tin và tạo điều kiện cho cổ đông dễ dàng hơn trong khởi kiện người quản lý trong trường hợp có vi phạm. Luật đã đặt ra nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích của cổ đông thiểu số, yêu cầu có đại diện của cổ đông thiểu số trong bộ máy quyền lực của công ty cổ phần.

Nhờ đó, theo Báo cáo Doing Business 2017 của WB, chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam không ngừng được cải thiện, đứng thứ 87/189 về Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số, tăng 31 bậc so với năm 2016. Trong đó, chỉ số Quản trị cổ đông, hiện tại, Việt Nam đạt điểm số cao hơn tương đối nhiều so với trung bình của các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương (Bảng 2).

Tuy nhiên, so với chuẩn của WB và các nước thu nhập cao OECD, thì Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần phải cải thiện, nhất là những chỉ số thành phần, mà Việt Nam còn đứng ở ví trị rất thấp, như: Mức độ trách nhiệm của người quản lý (điểm 4/10), Mức độ dễ dàng khi cổ đông khởi kiện người quản lý (điểm 2/10) và Cơ cấu sở hữu và kiểm soát (điểm 5/10) (Bảng 3).

Nguyên nhân dẫn đến một số chỉ số thành phần trên còn thấp, chủ yếu là do khung khổ pháp lý về bảo vệ cổ đông của Việt Nam, mặc dù đã hoàn thiện hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ để bảo vệ cổ đông. Trên cơ sở đánh giá và so sánh quy định pháp lý về bảo vệ cổ đông thiểu số với thông lệ quốc tế tốt, tác giả rút ra một số điểm chưa phù hợp của pháp luật hiện hành, như sau:

Về Mức độ trách nhiệm của người quản lý

Khoản 4, Điều 162, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên hội đồng quản trị hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.

Theo quy định trên thì cổ đông chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng, giao dịch được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có yếu tố phạm tội hoặc cố ý gây thiệt hại. Hơn nữa, cổ đông chỉ có thể yêu cầu người quản lý có liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh, các thành viên khác không phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này cũng chưa phù hợp với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt (nguyên tắc là người quản lý doanh nghiệp/doanh nghiệp phải làm việc/hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông, quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất).

Về Mức độ dễ dàng khi cổ đông khởi kiện người quản lý

Đối với chỉ số thành phần này, Việt Nam bị đánh giá thấp nhất, chỉ 2/10 điểm. Theo Khoản 2, Điều 161, Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện”.

Tuy nhiên, WB lại đánh giá cao khi cổ đông được hỗ trợ chi phí khởi kiện trong mọi trường hợp (kể cả khi khởi kiện không thành công). Bên cạnh đó, còn những quy định, như: Trước khi khởi kiện, nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần có quyền kiểm tra các chứng từ liên quan đến giao dịch; Nguyên đơn có thể yêu cầu bất cứ chứng từ nào từ bị đơn hoặc nhân chứng trong quá trình xét xử; Nguyên đơn có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho bị đơn và nhân chứng trước tòa… là những điểm WB đánh giá cao, thì Việt Nam lại không cho phép những điều này, khiến điểm của chỉ số thành phần này rất thấp.

Về Cơ cấu sở hữu và kiểm soát

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cấm việc kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành (CEO) (quy định tại Khoản 1, Điều 125, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Khoản 3, Điều 10, Thông tư số 121). Bởi cho rằng, việc người nắm quyền sở hữu (chủ tịch hội đồng quản trị) đồng thời thực hiện công tác quản lý doanh nghiệp (kiêm CEO) sẽ khiến người này toàn tâm toàn ý bảo vệ lợi ích của cổ đông, thực hiện tốt công tác quản trị và việc giám sát ban điều hành; hơn nữa, việc kiêm nhiệm hai chức danh này giúp tăng hiệu quả trong kết nối giữa hoạch định và triển khai chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, WB có quan điểm ngược lại. Vì, về bản chất, trách nhiệm của chủ tịch hội đồng quản trị và CEO là khác nhau, do đó, cần có quy định điều chỉnh khác nhau. Bên cạnh đó, nếu kết hợp vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và CEO có thể sẽ gây sự tập trung quyền lực ngoài ý muốn.

Về Mức độ minh bạch trong quản trị doanh nghiệp

Khoản 2, Điều 138, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2, Điều 114 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông”. Đồng thời, Khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng”.

Tuy nhiên, theo WB, tỷ lệ 10% là quá lớn, thêm vào đó, việc phải thỏa mãn điều kiện về thời gian sở hữu “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” là “làm khó” cổ đông thiểu số trong việc thực hiện quyền của họ; trong trường hợp này, là làm giảm tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Một số kiến nghị

Tại Nghị quyết số 19-2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Đảm bảo hiệu quả thực thi các quy định về Bảo vệ nhà đầu tư”, với mục tiêu từng bước nâng cao thứ hạng Chỉ số Bảo vệ cổ đông thiểu số từ thứ 87/189 (năm 2016) lên thứ 80 (năm 2017) và 60 (năm 2020). Để đạt được mục tiêu này, tác giả kiến nghị một số sửa đổi trong pháp luật hiện hành, như sau:

Thứ nhất, sửa đổi quy định về mức độ chịu trách nhiệm của người quản lý

Để đảm bảo các nguyên tắc: người quản lý doanh nghiệp/doanh nghiệp phải làm việc/hoạt động vì lợi ích cao nhất của cổ đông và quyền lợi của cổ đông cũng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất, đề nghị xem xét sửa đổi Khoản 4, Điều 162, Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này hoặc nếu bị cổ đông khởi kiện và được xác định là có gây thiệt hại cho lợi ích của công ty. Nếu hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quy định này và/hoặc gây thiệt hại cho công ty hoặc quyền lợi của các cổ đông khác, cổ đông có quyền yêu cầu người chấp thuận, ký kết hợp đồng và cổ đông, thành viên hội đồng quản trị, hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.

Thứ hai, sửa đổi quy định về khởi kiện người quản lý

Khoản 2, Điều 161, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện”. Tuy nhiên, nên xem xét sửa đổi quy định này, như sau: “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty”.

Thứ ba, sửa đổi quy định về việc kiêm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và CEO

Việc có nên cho phép chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đồng thời đảm nhiệm vị trí CEO hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, trong quá trình sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục có sự xem xét kỹ lưỡng hơn trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai để áp dụng quy định phù hợp.

Thứ tư, sửa đổi quy định liên quan đến tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp

Theo WB, giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông để được quyền đề xuất vấn đề đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp đại hội đồng cổ đông là 5%. Do đó, nên xem xét sửa đổi tỷ lệ quy định tại Khoản 2, Điều 138, Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo thông lệ quốc tế tốt (5%), đồng thời bỏ yêu cầu về thời gian sở hữu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch thông tin, tránh vụ lợi trong các giao dịch với người có liên quan, thành viên hội đồng quản trị và các thành viên thực hiện công tác quản lý, điều hành khác phải có trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin về giao dịch cũng như các xung đột lợi ích; điều này cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn mà WB đưa ra về quản trị doanh nghiệp tốt. Do vậy, cần bổ sung quy định tại Điều 28, Thông tư số 121 như sau:

Ngoài các trách nhiệm theo quy định tại Điều 23 Thông tư này, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành có trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin về giao dịch và các lợi ích liên quan trong các trường hợp sau:

1. Các giao dịch giữa công ty với công ty mà các thành viên nêu trên là thành viên sáng lập hoặc là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành trong thời gian ba (03) năm trước.

2. Các giao dịch giữa công ty với công ty trong đó người liên quan của các thành viên nêu trên là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành hoặc cổ đông lớn.

3. Các giao dịch có thể mang lại lợi ích vật chất hoặc phi vật chất đối với các thành viên nêu trên”.

Thêm vào đó, khuyến nghị bổ sung quy định về việc cơ quan độc lập kiểm tra các điều khoản của giao dịch với người có liên quan trước khi giao dịch đó được thực hiện để đảm bảo không có sự vụ lợi, lạm quyền trong thỏa thuận giao dịch, cụ thể, bổ sung quy định tại Điều 24, Thông tư số 121, đó là: Trước khi giao dịch được ký kết, các điều khoản của giao dịch phải được kiểm tra bởi một cơ quan độc lập”.

Ngoài ra, theo tiêu chuẩn WB đưa ra, các thông tin chi tiết về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến cổ đông 21 ngày trước khi diễn ra cuộc họp, mục đích là nhằm đảm bảo tính minh bạch, cung cấp thời gian đủ dài để cổ đông thu thập thông tin hoặc chuẩn bị ý kiến đối với các vấn đề của cuộc họp.

Để phù hợp với tiêu chuẩn này, bổ sung quy định sau tại Điều 6, Thông tư số 121/TT-BTC: “Thông tin chi tiết về cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên phải được gửi đến các cổ đông trước ngày diễn ra cuộc họp ít nhất là 21 ngày. Các thông tin cần thông báo bao gồm: thời gian dự kiến diễn ra cuộc họp, dự thảo chương trình nghị sự của cuộc họp”./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014

2. Chính phủ (2017). Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng đến năm 2020

3. Bộ Tài chính (2012). Thông tư số 121/TT-BTC, ngày 26/07/2012 về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng

4. WB (2017). Doing Business 2017