Mắc kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo công bố hai báo cáo với tiêu đề “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và “Nghiên cứu về tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Charles Kunaka, chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh - Ngân hàng Thế giới đã nêu bật thách thức đối với Việt Nam, đó là kẹt trong bẫy giá trị gia tăng thấp.

Cụ thể, hiện nay Việt Nam đang đứng trước thách thức dư địa dành cho doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhiều do các doanh nghiệp đầu đàn quy mô lớn (Samsung, Ford, Toyota) trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng cùng các nhà cung cấp toàn cầu ở khắp mọi nơi.

Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi nằm ngoài Việt Nam, điều này dẫn tới rủi ro về lâu dài khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn thu hút đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Ông Kunaka cho rằng, câu hỏi dành cho Việt Nam trước ngã rẽ đó là Việt Nam có thể tiếp tục phát triển để làm căn cứ xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp và công nghiệp hoá theo cách riêng của mình mà không kết nối nhiều với nền kinh tế và xã hội bên ngoài hay không? Hoặc Việt Nam có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị nhằm tham gia vào các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời tận dụng cơ hội để nuôi dưỡng những doanh nghiệp còn non trẻ trong nước nhưng tư chủ, năng động và đổi mới sáng tạo, để một ngày nào đó có thể tạo ra sản phẩm sáng chế tại Việt Namcủa riêng họ?

“Thành công của cả hai hướng trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhìn nhận quá trình phát triển theo cách khác đi và phải cân nhắc đầy đủ hơn những thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu”, ông Kunaka tin tưởng.

Hưởng lợi từ các chuỗi giá trị toàn cầu

Mặc dù Việt Nam đang mắc kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp do thiếu sáng tạo, tuy nhiên ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã hội nhập thành công vào một số chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Hơn nữa, Việt Nam có thể vươn lên, nâng cao giá trị gia tăng bằng những cải cách, sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới, hội nhập khu vực.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Về phía đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, FDI đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm. Nội dung khuyến nghị của hai báo cáo đã chỉ ra nhiều ý tưởng về cách thức Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Hai báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho thấy, việc tham gia vào các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn, đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường quốc tế có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tiếp tục phát triển theo hướng làm cứ điểm xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử, ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp ở công đoạn sản xuất cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình. Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin, liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như: Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ./.