Nhiều nguy cơ bất ổn

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tại Việt Nam tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, mà còn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, gây nhiều nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế.

Theo nghiên cứu mới công bố của VEPR, tại Việt Nam tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương là 5,8%, vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Cụ thể, tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, từ 25% (năm 2007) đến 50% (năm 2015). Đáng chú ý, tăng trưởng lương thối thiểu và năng suất lao động của Việt Nam so với các nền kinh tế châu Á đang có sự khác biệt rõ rệt. Thí dụ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... có tốc độ tăng năng suất lao động cao, nhưng tốc độ tăng lương trung bình thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất.

Đáng chú ý, từ năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam còn phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia. Khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam, chỉ kém Trung Quốc và cao hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia, Phillipines có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.

Chính vì vậy, mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, TS. Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Washington DC bổ sung thêm, xét về tổng thể kinh tế, tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi lẽ, trong quá trình tham gia nghiên cứu cùng VEPR, kết quả nghiên cứu cho thấy, tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tăng lương trung bình, làm giảm việc làm và giảm lợi nhuận.

Ông Nguyễn Việt Cường, chuyên gia về tiền lương thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Mê Kông: “Khi khảo sát doanh nghiệp, người lao động thì không nhân thấy tác động nặng nề của tăng lương tối thiểu tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế như nghiên cứu của VEPR đã công bố. Vì thực tế, các doanh nghiệp đã trả cao hơn so với lương tối thiểu rất nhiều. Việc tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng tới khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, hiện chiếm khoảng 32,5% quỹ tiền lương”.

Cụ thể, nếu lương tối thiểu tăng 1%, thì có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm.

Về góc độ việc làm, trường hợp các doanh nghiệp có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn, như tăng lương và bảo hiểm đầy đủ theo quy định, thì sẽ có khuynh hướng cắt giảm việc làm nhiều hơn. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách lương tối thiểu, và buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp chấp hành ít nghiêm chỉnh hơn, né tránh phần nào tác động của tăng lương tối thiểu, lại không cắt giảm nhân công nhiều.

Về mặt lợi nhuận, so với các khu vực khác, doanh nghiệp khu vực tư nhân chịu tác động tiêu cực khá lớn từ tăng lương tối thiểu. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm. Điều này, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, nhiều lao động thì sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn.

Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, chế biến gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc...

Không nên xem lương tối thiểu là chính sách bảo trợ xã hội

Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cần phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.

Lương tối thiểu sẽ không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Đáng chú ý, hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa.

Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu.

Cũng tại hội thảo, GS Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cũng cho rằng, không nên coi lương tối thiểu như chính sách xã hội. Việt Nam cần có cơ quan nghiên cứu cải thiện năng suất lao động. GS Kenichi Ohno dẫn chứng, Singapore đã nhấn mạnh năng suất lao động ngày từ khi lập quốc. Ethiopia có nhu nhập bình quân đầu người đạt 700 USD và đang yêu cầu JICA hỗ trợ tăng năng suất lao động. Chính vì thế, năng suất lao động là chìa khóa phát triển trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

Bổ sung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thừa nhận rằng, tiền lương phải phục vụ làm tăng năng suất lao động, gắn với năng suất lao động, chứ không rời rạc.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển phân tích, nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì "không đúng". Trong thực tế, nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Thậm chí, nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội.

Những so sánh khập khiễng

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị với góc độ đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, VEPR sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội (4,4%) là khập khiễng. Theo ông Chính, mức tăng lương tối thiểu vùng phải được so sánh với mức tăng năng suất lao động tại khu vực doanh nghiệp mới chính xác, vì hiện nay việc tăng lương tối thiểu vùng diễn ra ở khu vực doanh nghiệp..."

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, VEPR sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội là khập khiễng, thiếu thuyết phục

Chưa kể, hiện nay các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiếu để đóng bảo hiểm xã hội, làm cho tiền lương tối thiểu bị méo mó. Hiện nay, các doanh nghiệp đang xây dựng hai hệ thống bảng lương. Trong đó, một bản lương bằng, cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó. Thí dụ, quyết toán bảng lương 6 triệu, nhưng mà đóng bảo hiểm xã hội chỉ có 4 triệu, nên trốn đóng bảo hiểm xã hội 2 triệu.

Cùng với đó, hiện nay đa phần chúng ta nhầm lẫn giữa lương tối thiểu và tốc độ tăng lương tối thiểu, với mức lương tối thiểu là lương chưa đủ sống (theo Điều 91, Bộ luật Lao động quy định, lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu).

Thêm vào đó, điều chỉnh tiền lương tối thiểu phụ thuộc vào các yếu tố: tốc độ trượt giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá nhân công thị trường, khả năng chi trả của doanh nghiệp… Song, cũng phải tính yếu tố tăng thêm tiền lương tối thiểu do mức sống tối thiểu của người lao động chưa được đảm bảo. Điều này, lẽ ra phải thực hiện từ năm 2013, nhưng do tình hình doanh nghiệp khó khăn nên phải giãn rộng thời gian thực hiện.

Ông Chính cũng cho rằng, không nên so sánh tốc độ tăng lương của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan vì mức lương của các nước đã cao, nên chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Trong khi đó, lương người lao động Việt Nam hiện nay quá thấp và hầu hết không đủ sống, không đủ tái tạo sức lao động.

Dẫn chứng tại hội thảo, ông Chính cho biết thêm, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập với mức nhỉnh hơn 1 triệu đồng/tháng.

Thí dụ, lương hai vợ chồng là công nhân, thu nhập 10 triệu đồng nhưng không đủ sống vì phải chi tiền thuê nhà, tiền điện, nước, thuốc men, chi phí hiếu hỉ, phúng viếng... chưa kể nếu có con mọn thì đa số sống tằn tiện và cực khổ.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là lĩnh vực phưc tạp, nhạy cảm. Do vậy, các kết luận, hàm ý chính sách hải thận trọng, chính xác. Lương tối thiểu và mức tăng lương tối thiểu khác nhau.

Thực tế, rất nhiều quốc gia làm lương tối thiểu, do đó lương tối thiểu là cần thiết. Chưa kể, phạm vi nghiên cứu của VEPR còn rất hẹp, đưa ra hàm ý về tăng lương tối thiểu không rõ ràng. Điển hình như khu vực phi chính thức hiện nay chiếm 60-65%, nhưng trong nghiên cứu lại mờ nhạt. Thêm vào đó, Nghiên cứu cũng thiếu bóng dáng của người lao động. Theo đó TS. Thành nhấn mạnh, làm khoa học thì không nên võ đoán, phải rất thận trọng và cẩn thận./.