Ngày 14/09/2017, Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.

Sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp và người dân

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế (Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế Tài nguyên (TN) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Trong đó, dự thảo có nhiều nội dung quan trọng, như: mở rộng các đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% từ năm 2019; áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, trà, cà phê đóng lon, thuốc lá (thuế tuyệt đối). Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất tăng mạnh thuế với xe bán tải, tính thuế xe con theo tỷ lệ nội địa hóa tức phần linh kiện sản xuất trong nước sẽ được miễn thuế...

Với thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế từ 10% đến 30% với người trúng thưởng; giảm mức đóng cho nhân lực công nghệ cao, nông dân tham gia “cánh đồng lớn”... Về thuế tài nguyên, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác xuất khẩu.

Nội dung sửa đổi trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ (tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%. Đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Tác động của việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế là vô cùng lớn đối với cộng đồng

Đánh giá về tác động của việc sửa đổi này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, việc sửa đổi các luật thuế liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau, như: bất động sản, ô tô, ngân hàng... với 30 chính sách thuế sửa đổi, sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp cũng như người dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, đánh giá nếu dự luật được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nước giải khát nói riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp phải chịu nhiều loại thuế tăng: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp nước ngọt là 10%; thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

“Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức thuế VAT tăng áp dụng cho đường. Tất cả yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như tăng giá thành sản phẩm, giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Vỵ lo ngại.

Không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà người dân cũng bị ảnh hưởng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và đề xuất mức thuế mới cho nhiều nhóm hàng, dịch vụ lên 12%, thay vì mức 5% như hiện tại sẽ tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn đối với người chịu thuế.

Bởi tỷ trọng tiền thuế trên thu nhập của người nghèo cao hơn tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập của người giàu. Việc tăng thuế VAT sẽ gia tăng gánh nặng về thuế cho người có thu nhập thấp, cho những người nông dân vì họ phải trả thuế VAT gián thu trong giá cả hàng hóa, dịch vụ mà họ tiêu dùng và sử dụng.

“Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế vì cho rằng những hàng hóa, dịch vụ như nước sạch, điện, máy nội soi, máy siêu âm, thuốc phòng bệnh chữa bệnh… đã được xã hội hóa sâu rộng, nhiều thành phần kinh tế tham gia vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, lý do trên là ngụy biện. Đáng lẽ xã hội hóa hiệu quả thì tiếp tục khuyến khích ưu đãi chứ chưa gì đòi tăng”, đại diện hội này nhấn mạnh.

Căn cứ để sửa đổi các luật về thuế chưa đủ thuyết phục

Theo như đánh giá của các đại biểu ở trên, thì việc sửa đổi các luật về thuế có tác động vô cùng lớn tới doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: “Đến nay, vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh. Bên cạnh đó là tác động đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế ra sao, trong báo cáo tác động có đề cập không, ngành nào sẽ thua thiệt nhất. Cuối cùng là điều chỉnh trong luật này có phù hợp với chiến lược phát triển các ngành không, việc khuyến khích phát triển ngành nọ, không phát triển ngành kia có được phản ánh trong điều chỉnh thuế hay không?”.

Một căn cứ nữa được Bộ Tài chính đưa ra cũng khiến chuyên gia này băn khoăn, đó là Chiến lược thuế 2011–2020.

“Tôi không tin ở những chiến lược đề ra rất lâu rồi mà ta vẫn bám vào nó, lại chỉ bám vào những thứ phù hợp với cái ta định làm. Phải xem tính hợp lý chiến lược có còn hay không. Cuối cùng là tính hệ thống của chính sách thuế. Lần này sửa 5 luật, liệu vài năm nữa có sửa thêm không và 2 lần sửa có đảm bảo thống nhất không?

“Đấy là về thuế thôi, còn phí thì vô cùng nhiều nữa, nếu cộng lại thi vô cùng khủng khiếp với doanh nghiệp, người dân. Cơ quan nắm tài chính của Nhà nước, thì phải tính đến những khía cạnh đó chứ không phải tách riêng ra phần của mình để tăng thu lên, để đạt được mục đích của mình, cuối cùng tất cả gánh nặng đặt lên vai người dân, doanh nghiệp”, bà Phạm Chi Lan nói.

Để việc sửa đổi các luật về thuế mang lại hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội, bà Lan cho rằng, các điều chỉnh về thuế cần phải đánh giá kỹ tác động đối với doanh nghiệp và người dân, việc này phải do một đơn vị khách quan thực hiện.

“Đặc biệt, việc điều chỉnh cần tính đến việc phù hợp với chính sách phát triển các ngành đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp... nếu không sẽ dẫn đến “đá” nhau trong chính sách”, bà Lan cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Vỵ cũng cho rằng, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này cần trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi gì và hạn chế gì nếu thông qua luật này?

Theo đại diện này, các cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt chưa thuyết phục: Bộ Tài chính đưa ra 3 cơ sở để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, như: cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách; phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường.

"Tuy nhiên, cơ sở thứ nhất và thứ hai chưa có số liệu chứng minh cụ thể là nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì nhà nước sẽ thu được bao nhiêu? Cơ sở thứ ba cần phải được chứng minh một cách khoa học về việc: “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không? ” và “nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?”, ông Nguyễn Tiến Vỵ nêu ý kiến./.