Trước đó, Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 vào ngày 9/11/2016 và tiếp tục thảo luận, cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch

Những điều chỉnh của Chính phủ

Trình bày Tờ trình bổ sung Dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội một số nội dung như: đề nghị chuyển nội dung quy định về tư vấn phản biện độc lập quy định tại Điều 18 sang Điều 30 do việc lấy ý kiến của tư vấn phản biện độc lập đối với quy hoạch được áp dụng tại giai đoạn thẩm định quy hoạch và do Hội đồng thẩm định thực hiện.

Còn nội dung của Điều 18 là việc lấy ý kiến về quy hoạch tại giai đoạn lập quy hoạch và do cơ quan lập quy hoạch thực hiện. Tư vấn phản biện độc lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân; do vậy, tư vấn phản biện độc lập không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, tư vấn phản biện độc lập vẫn phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Chính phủ; đề nghị bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại Điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch.

Chính phủ cũng đề nghị chỉnh lý quy định “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án quan trọng quốc gia…” tại khoản 3 các Điều 23, 24 và khoản 6 Điều 26 thành “Việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…”; đề nghị chỉnh lý, làm rõ thêm việc quy định tại khoản 3, Điều 27 và khoản 3, Điều 28 của dự thảo Luật Quy hoạch để thống nhất với pháp luật khác có liên quan và để triển khai cụ thể nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này.

Về sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành đang điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, Chính phủ đề nghị được phân thành 2 nhóm, nhóm 1 sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật được đề nghị sửa đổi tại điều 69, dự thảo Luật Quy hoạch; nhóm 2 sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh,… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm chất lượng.

Về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Vẫn băn khoăn nhiều vấn đề

Phát biểu tại phiên họp, Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Thứ nhất, hiện nay theo quy định Chính phủ có chỉnh sửa các Điều 23, 24, 26, 27, 28, đặc biệt khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28. Về nội dung quy hoạch vùng và tỉnh được Chính phủ tiếp thu theo hướng Chính phủ sẽ quy định chi tiết và việc thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết vẫn theo Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Môi trường và luật pháp có liên quan.

Ủy ban Kinh tế vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau và cũng chưa rõ theo loại ý kiến nào.

Có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như dự thảo ban đầu. Vì nếu đưa những điều này vào thì Luật Quy hoạch này không còn đúng tính chất ban đầu mà Chính phủ trình.

Loại ý kiến thứ hai là trong lúc này đành phải "gọt chân cho vừa giầy", cho đồng ý cho sửa các điều khoản, trong đó khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ thấy khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28 vẫn còn xung đột. Cụ thể là khoản 1 và 2 Điều 29, vì trong quy định của Luật Xây dựng thì quy hoạch vùng và tỉnh là do Bộ Xây dựng sẽ chủ trì. Nhưng, khoản 2 Điều 29 theo quy định mới này lại do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trên cơ sở có Hội đồng thẩm định.

“Ủy ban Kinh tế đang lo không chỉ có 23 luật mà còn có thể tăng thêm nếu rà lại, có thể là 95 luật không phải 32 luật như Chính phủ nêu. Việc này cần được xem xét lại cho rõ. Nếu như vậy cộng thêm 23 luật sẽ quá tải trong chương trình xây dựng luật, pháp luật, có 24 luật nằm trong chương trình nữa. Như vậy, không biết từ nay đến năm 2019 Quốc hội có thể làm được không?”, Phó Chủ tịch nêu vấn đề.

Còn ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lại thể hiện sự băn khoăn về cơ quan lập quy hoạch.

Cụ thể, ở Điều 16, khoản 1 điểm a là Chính phủ thành lập cơ quan lập quy hoạch, khoản 2 điểm a là các Bộ thành lập cơ quan lập quy hoạch, khoản 3 điểm a là Thủ tướng Chính phủ thành lập cơ quan lập quy hoạch, khoản 4 điểm a là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cơ quan lập quy hoạch.

“Ví dụ khoản a điểm 2 Điều 16 là các Bộ thành lập cơ quan lập quy hoạch, tức là cơ quan này thuộc Bộ nhưng cơ quan này lại có thẩm quyền phối hợp với các Bộ khác để lập quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt. Có lẽ thiết kế điều luật như vậy không ổn, nếu một cơ quan lập quy hoạch do Bộ lập ra xong cơ quan được Bộ lập ra lại phối hợp với các Bộ khác rồi lại trình Thủ tướng, quy trình như vậy không phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chứng.

Ông đề xuất, dứt khoát không được lập cơ quan, mà chỉ được chỉ định một cơ quan đã có hoặc lập ban chỉ đạo, ban rà soát để làm quy hoạch.

“Phải diễn đạt lại chỗ này, chắc không phải là thành lập cơ quan, ví dụ như lập hội đồng hay lập ban chỉ đạo, làm xong là kết thúc chứ không phải là lập cơ quan”, ông Định đề xuất.

Còn ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng lại lo lắng với đề xuất lập hội đồng quy hoạch.

Bởi, theo ông Bình, làm quy hoạch là chuyên nghiệp, quy hoạch không thể nào theo thời vụ, khi lập ra quy hoạch phải theo dõi quy hoạch này có triển khai được hay không, phải có tất cả thông tin và thậm chí phải phản ánh từng lúc một quy hoạch này đang chạy như thế nào và phản ánh trực tiếp với đồng chí cao nhất từ Bộ Chính trị cho đến Chính phủ và Quốc hội là quy hoạch đang như thế nào và chuẩn bị cho chiến lược mai sau.

“Vậy nếu đây là hội đồng để đến khi cần ta lập ra, xong quy hoạch rồi thì ta dừng, khi nào có quy hoạch ta lại lập lại thì e rằng tính chuyên nghiệp và độ xuyên suốt vấn đề xây dựng, theo dõi, phản ánh và bắt đầu chỉnh sửa quy hoạch là sẽ khó”, ông Bình chia sẻ.

Không thông qua Luật sẽ làm mất cơ hội cho đất nước và mất nhiều chi phí của xã hội

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ý kiến khác nhau là không tránh khỏi, bởi vì nó liên quan đến rất nhiều bộ, ngành quản lý và nó nằm rải rác trong các luật chuyên ngành có quy định về quy hoạch.

Nếu luật không thông qua được tại kỳ họp thứ 4 này thì sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch do không kịp sửa đổi các luật có liên quan để thực hiện đồng bộ, kịp thời cho kỳ quy hoạch tiếp theo Đại hội Đảng 2021-2025.

“Như vậy, dẫn tới chúng ta mất quá nhiều thời gian, mất cơ hội cho đất nước và mất nhiều chi phí của xã hội”, bà Ngân khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, Luật Quy hoạch mới không thể có quy định như Chính phủ tiếp thu chỉnh lý lần này có khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28, nó sẽ tạo ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Bỏ 2 điểm này, tiếp thu mà lùi lại một bước. Tính nhất quán trong hệ thống pháp luật phải chú ý”, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.

Vì vậy, Chính phủ cần rà soát lại theo đúng tinh thần của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và đúng mục tiêu Trung ương đề ra, cố gắng hoàn chỉnh dự thảo luật và không có lý do gì để không trình tại Kỳ họp thứ 4

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Thường vụ thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật.

“Nhất trí cho rà lại, sửa lại các Điều 23, 24, 26, 27, 28, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc của Luật Quy hoạch là chúng ta không thể có một bước lùi, tức là luật cấp dưới phải tuân thủ luật của trên, luật của quốc gia, luật vùng, luật tỉnh thì phải tuân thủ luât quốc gia, phải đảm bảo nguyên tắc đó”, ông Hiển nêu rõ quan điểm.

Theo hướng để không có quá quy định chi tiết như luật khác nên giao Chính phủ là người thống nhất quản lý về quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ để thống nhất quản lý, đầu mối chịu trách nhiệm chính, còn các bộ khác là theo sự phân công của Chính phủ.

Về các cơ quan, thống nhất không thành lập một cơ quan mới nhưng vì trong quy định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ chịu trách nhiệm chính và các bộ chuyên ngành đã chịu trách nhiệm chính thì bộ đó phải chịu trách nhiệm về quy hoạch đó, nên việc thành lập các hội đồng thẩm định chỉ giúp thẩm định và tư vấn, không phải là cơ quan mới.

“Chịu trách nhiệm chính vẫn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường là vấn đề đất đai, Bộ Giao thông vận tải quy hoạch giao thông, những bộ đó vẫn phải chịu trách nhiệm chính còn Chính phủ thống nhất quản lý và giúp cho Chính phủ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cho rõ ràng theo hướng như vậy”, ông Hiển chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà lại là thêm còn luật nào nữa không, nhưng khẳng định có 1 luật sửa các luật liên quan đến nội dung về quy hoạch.

“Đồng ý có kèm theo một nghị quyết để chúng ta có bước chuyển tiếp với tinh thần các quy hoạch đã có hiệu lực thì có hiệu lực cho đến hết ngày 31/12/2020, tức là gắn với cả một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bắt đầu từ ngày 1/1/2021 là bước theo một quy hoạch mới”, ông Hiển nhấn mạnh./.