Với định hướng xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt hướng tới kiến tạo một mô hình phát triển mới tại các vùng có những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.

Chiều ngày 19/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi trao đổi làm rõ với báo giới những điểm đột phá trong dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt để có thể “xây tổ vời phượng hoàng”!

Những thử nghiệm, những đề xuất chưa từng có

Tại cuộc thảo luận trao đổi thông tin về dự án Luật, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án Luật được xây dựng dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế, khu tự do, khu thương mại tự do, đặc khu hành chính và các mô hình tương tự của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ mới phát triển mô hình này nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như đã có kinh nghiệm thành công trong mô hình này trong khu vực và trên thế giới.

Ông Đông nhấn mạnh, xét ở một số góc độ nhất định, những cơ chế, chính sách về kinh tế xã hội, tổ chức chính quyền và công tác tư pháp được Việt Nam đã xây dựng trong Dự thảo Luật thậm chí đã cao hơn, hiện đại hơn một số đặc khu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về mức độ mở của chính sách thuế thì thấp hơn so với một số đặc khu được mệnh danh là “thiên đường thuế” như Dubai, Cayman.

Ông Đông đã chỉ ra rằng, những lợi thế của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được xây dựng dựa trên một số những ưu thế vượt trội.

Trước hết, đó là môi trường đầu tư kinh doanh với việc có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; rút ngắn các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực hiện trung tâm hành chính 1 cửa.

Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Nội dung rất đáng chú ý được đưa ra tại dự thảo Luật là việc mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Theo đó, dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà chiến lược; đồng thời, quy định tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Cũng theo ông Đông, các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước được đề xuất vượt trội mức độ quy định hiện hành và có thể cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển.

Đặc biệt, các ưu đãi cao nhất được áp dụng với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án của các nhà đầu tư chiến lược.

Trưởng đặc khu sẽ có 77 thẩm quyền

Điểm đáng lưu ý và cũng gây nhiều thảo luận nhất trong dự thảo Luật là, Chính phủ đã đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương và do đó không tổ chức HĐND và UBND.

Thay vào đó, tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bộ máy hành chính sẽ được tổ chức theo hình thức một cửa, với đột phá mới không dựa vào trách nhiệm tập thể mà nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân.

Đặc biệt, trưởng đặc khu sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ.

Trưởng đặc khu sẽ có 77 thẩm quyền và sẽ phải chịu trách nhiệm về các thẩm quyền được phân cấp và trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, hội đồng nhân dân sẽ được đề xuất cắt chức.

Để giám sát hoạt động của trưởng đặc khu, sẽ có hội đồng tư vấn giám sát gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, chính quyền đặc khu sẽ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi trong thẩm định về thủ tục với các nhà đầu tư; thực hiện thủ tục hải quan ưu tiên đối với doanh nghiệp đầu tư tại đặc khu.

Cùng với dự thảo luật, hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng ba đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó sẽ cụ thể hóa chi tiết về quy hoạch, chuyển đổi dân cư, sắp xếp bộ máy hành chính, tổ chức cơ quan đơn vị…

Những đề án này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và được trình lên Quốc hội vào kỳ họp vào tháng 5/2018.

Những ưu thế của 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Ông Đông cho biết, 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Vân Đồn với ưu thế khoảng cách gần với thị trường trên 3,5 tỷ dân của Trung Quốc, chỉ cách thị trường này 3,5 giờ bay, theo đó đặc khu này đang được xây dựng và hoàn thiện hệ thống sân bay để tận dụng ưu thế này biến tiềm năng thành hiện thực.

Bắc Vân Phong với những ưu thế về cảng nước sâu, diện tích quỹ đất còn nhiều chưa sử dụng sẵn sàng đón được các nhà đầu tư chiến lược tới đầu tư và phát triển.

Còn đối với Phú Quốc do quỹ đất không còn nhiều thì tận dụng lợi thế dựa vào khu vực ASEAN với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực này.

Vẫn có thể sửa luật khi cần

“Tuy nhiên, điểm khó nhất hiện nay là các chính sách đưa ra trong dự án Luật liệu có đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư chiến lược hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cần triển khai trên quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở các định hướng cơ bản trong phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”, ông Đông chia sẻ thêm.

Ông Đông cho biết, Trung Quốc đã có đặc khu version 4.0, với đặc khu trong đặc khu, chúng ta đã đi quá chậm, nếu bàn nữa, sẽ chậm chuyến tàu. Vì thế, dự thảo luật xây dựng cơ chế mở và sẵn sàng đàm phán với nhà đầu tư chiến lược.

“Tức là trong trường hợp có nhà đầu tư chiến lược mà đặt ra yêu cầu thì có thể đàm phán các ưu đãi và tính tới việc sửa đổi luật để điều chỉnh mức độ ưu đãi và mở cửa phù hợp với quy định luật pháp hiện hành và thông lệ quốc tế”, ông Đông cho biết thêm./.