Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực

Theo ông Sebastian Eckardt, GDP năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 6,3%, cải thiện so với 2016 nhờ cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp, ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu tăng nhờ cầu bên ngoài hồi phục. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018–2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Ông Sebastian Eckardt đánh giá tích cực triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam

Mặc dù vậy, sự suy giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt là khai thác dầu thô cũng đã gây tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng chung. Sản lượng khai khoáng giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016 chủ yếu do các mỏ dầu của Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên và việc khai thác ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, vấn đề thâm hụt tài khóa, kể cả các mục ngoài ngân sách, ước tăng lên mức 6,5% GDP năm 2016 từ mức 6,2% năm 2015. Thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao làm cho tổng nợ công của Việt Nam (bao gồm nợ của chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, và nợ của chính quyền địa phương) ước tính vào khoảng 63% GDP năm 2016 và đang nhanh chóng hướng tới mức trần quy định là 65% GDP.

Trong bối cảnh đó, tình hình thu - chi ngân sách nửa đầu năm 2017 cho thấy đã có cải thiện về phía thu, chủ yếu là tăng các khoản ngoài thuế và tăng cường kỷ cương chi. Qua đó đã kìm hãm được thâm hụt ngân sách và tăng nợ công. Nhưng các biện pháp hiện nay chủ yếu dựa vào điều chỉnh nhất thời, theo tình huống.

Ông Sebastian Eckardt cho rằng, muốn đảm bảo cải thiện tình hình tài khóa trung hạn, Việt Nam cần có các biện pháp mang tính hệ thống thì mới có thể tăng nguồn thu và tiết kiệm chi, đồng thời bảo vệ được các khoản đầu tư vào hạ tầng và nguồn vốn con người để từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, các rủi ro trong nước và bên ngoài đòi hỏi phải liên tục áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng. Nếu muốn duy trì đà tăng trưởng cần phải củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tái tạo khoảng đệm chính sách và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Cần tiếp tục tăng cường các nghiệp vụ giám sát và quản lý thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh.

Viễn cảnh "sáng sủa" của khu vực

Cũng tại buổi họp báo, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực lên 6,4% trong năm 2017 và 6,2% vào năm 2018, cao hơn so với dự đoán 6,2% và 6,1% hồi tháng 4.

Theo ông Sudhir Shetty, có được kết quả này là nhờ sức bật của kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh, giá hàng hóa nguyên vật liệu hồi phục nhẹ và thương mại toàn cầu hồi phục chính là những yếu tố tích cực từ bên ngoài giúp các nước đang phát triển trong khu vực đạt mức tăng trưởng 6,4%.

Đi sâu vào từng nền kinh tế, WB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình tái cân bằng, giảm bớt tăng trưởng dựa vào đầu tư và chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước. GDP trong năm 2017 và 2018 của Trung Quốc sẽ tăng lên tương ứng là 6,7% và 6,4%, từ mức 6,5% và 6,3% như dự báo trước đó.

Trong khi đó, tăng trưởng của Malaysia đang tăng lên do đầu tư cao hơn và phục hồi thương mại toàn cầu, còn Thái Lan được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong xuất khẩu và du lịch.

Mông Cổ và Fiji dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn 2017-2018. Hiện tại, chương trình ổn định kinh tế vĩ mô tại Mông Cổ đang thu hút FDI vào lĩnh vực khai khoáng và giao thông.

Còn tại hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương, các yếu tố: tăng trưởng du lịch, giá hàng hóa nguyên vật liệu trên thế giới thấp, tăng thu từ thu phí đánh bắt hải sản… đã giúp các nước này tăng trưởng nhẹ.

Mặc dù vậy tại Philippines, sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình phát triển cơ sở vật chất hạ tầng theo kế hoạch của chính phủ đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Ông Sudhir Shetty nhận định: “Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu cải thiện chính là cơ hội để các nước khắc phục yếu kém, đồng thời có thể theo đuổi các biện pháp cải cách giúp đẩy mạnh tăng trưởng về lâu dài”.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia WB khuyến nghị, cần tập trung ưu tiên giảm thiểu rủi ro, nâng cao ổn định ngành ngân hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu hơn nữa.

Báo cáo cũng kêu gọi từ bỏ các biện pháp tăng trưởng ngắn hạn và quan tâm giải quyết các rủi ro trong tài chính và tài khóa thông qua tăng cường giám sát và quản lý cẩn trọng tại các nước có tỷ lệ cao về tăng trưởng tín dụng và nợ tư nhân. Đồng thời, đổi mới chính sách và công tác quản lý thuế nhằm tăng nguồn thu; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống chính sách tiền tệ bị thắt chặt do tốc độ tăng lãi suất tại các nước phát triển.

Báo cáo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển du lịch và tăng cường hội nhập theo chiều sâu trong khu vực nhằm giảm nhẹ rủi ro do chủ nghĩa bảo hộ mang lại. Nếu quản lý tốt, tăng trưởng du lịch sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, kể cả các quốc đảo Thái Bình Dương./.