NHÌN LẠI XUẤT - NHẬP KHẨU NĂM 2013

Với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu gần gấp hai lần GDP hàng năm, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở cửa cao trên thế giới. Do vậy, xuất khẩu của nước ta không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới. Song điều đáng ngạc nhiên và phấn khởi là trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động xuất khẩu năm 2013 đã đạt kết quả rất khả quan.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu 10% mà Quốc hội đề ra. Kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4%. Như vậy năm 2013, nước ta xuất siêu được 863 triệu USD (Bảng 1).

Bảng 1: Tổng quan tình hình xuất - nhập khẩu năm 2013

Ước năm 2013

Tăng giảm so với năm 2012

Xuất khẩu

132,2 tỷ USD

15,4%

- DN có vốn FDI

88,4 tỷ USD (chiếm 61,4%)

22,4%

- DN trong nước

43,8 tỷ USD (chiếm 38,6%)

3,5%

Nhập khẩu

131,3 tỷ USD

15,4 %

- DN có vốn FDI

74,5 tỷ USD (chiếm 56,7%)

24,2%

- DN trong nước

56,8 tỷ USD (chiếm 43,3%)

5,6%

Cán cân TM

Xuất siêu 863 triệu USD

- DN có vốn FDI

Xuất siêu 14 tỷ USD

- DN trong nước

Nhập siêu 13,1 tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo trong xuất khẩu tăng từ 68,7% năm 2012 lên 70,5% năm 2013, trong khi tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm sản giảm từ 16,8% xuống 15%. Riêng tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu - khoáng sản duy trì ổn định ở mức 7,3% trong 2 năm qua.

Các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo tăng mạnh. Cả 4 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất năm 2013 (kim ngạch trên 8 tỷ USD) đều thuộc công nghiệp chế biến - chế tạo (Bảng 2). Đó cũng là các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao năm 2013, gồm: điện thoại và linh kiện (tăng 69,2%), điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 36,2%), dệt may (tăng 18,6%), giày dép (tăng 15,2%).

Các thị trường xuất khẩu chính vẫn tăng. Bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng (Bảng 3). Tăng mạnh nhất là các thị trường EU (20,4%) và Mỹ (20,3%). Các thị trường quan trọng khác cũng tăng song với mức khiêm tốn hơn là ASEAN (6,3%), Nhật Bản (3,8%) và Trung Quốc (2,1%).

Năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Năm 2012 lần đầu tiên nước ta xuất siêu được 200 triệu USD sau hàng chục năm liên tục nhập siêu. Năm 2013, Việt Nam lại tiếp tục xuất siêu với mức cao hơn là 900 triệu USD.

Mặc dù đạt được những thành tựu ấn tượng như vậy, hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế:

Một là, cơ cấu xuất khẩu vẫn tập trung vào một số ít nhóm hàng chủ lực. Chỉ riêng 18 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên) chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2013 (Bảng 2).

Hai là, kim ngạch xuất khẩu cao song giá trị gia tăng thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm 3 nhóm chính là: nông, lâm, thủy sản; nhiên liệu - khoáng sản (dầu thô, than đá) và công nghiệp chế biến - chế tạo.

Các nhóm nông, lâm, thủy sản (gạo, cà phê, cao su, sắn, tôm cá...) và nhiên liệu - khoáng sản (dầu thô, than đá, quặng...) chủ yếu được xuất dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng thấp. Nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo (điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép...) chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, song hầu hết là gia công và lắp ráp, do vậy giá trị gia tăng cũng rất thấp. Điển hình là điện thoại di động, hiện đã vượt dệt may để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta, với kim ngạch năm 2013 lên đến 21,2 tỷ USD. Song, thực chất đây là mặt hàng lắp ráp dựa trên nhập khẩu hầu như toàn bộ linh phụ kiện từ nước ngoài. Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo khác, như: dệt may, giày dép... tuy giá trị gia tăng của các mặt hàng này có cao hơn so với điện thoại, máy tính và linh kiện.

Ba là, tăng trưởng xuất khẩu vẫn được duy trì, song tốc độ tăng có xu hướng giảm dần. Năm 2011, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức ấn tượng, 34,2%. Năm 2012 con số đó giảm xuống còn 18,2%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 15,4%.

Bốn là, tăng trưởng xuất khẩu 2013 chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp FDI, hiện chiếm trên 61% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 24,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước là 15,4%. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa hiện chiếm tỷ trọng chưa đầy 39% và chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% trong năm 2013.

Năm là, mức xuất siêu đạt được cũng do đóng góp của khối doanh nghiệp FDI. Năm 2013, nền kinh tế nước ta xuất siêu được gần 900 triệu USD. Song, đạt được kết quả đó là nhờ các doanh nghiệp FDI xuất siêu 14 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 13,1 tỷ USD.

Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng yếu thế trước các doanh nghiệp có vốn FDI xét cả về tỷ trọng trong xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và cán cân thương mại. Xu hướng này đã bắt đầu bộc lộ từ các năm trước, và ngày càng thể hiện rõ trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với những khó khăn lớn.

Sáu là, xu thế sụt giảm của nhóm hàng nông, lâm sản. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo tăng mạnh tới 25,5% thì kim ngạch của nhóm hàng nông, lâm sản lại giảm 5,3%. Trong đó, giảm mạnh nhất là cà phê (26,6%), sắn và sản phẩm từ sắn (19,2%), gạo (18,7%), cao su (11,7%). Nguyên nhân là do từ năm 2012 đến nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, giá nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đảo chiều giảm mạnh sau khi tăng mạnh trong các năm 2010-2011.

Sự sụt giảm này một mặt cho thấy xu hướng dịch chuyển tích cực của cơ cấu xuất khẩu của nước ta từ nhóm hàng nông, lâm sản sang nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo. Song mặt khác, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản sụt giảm khiến đời sống của một bộ phận lớn người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Bảy là, mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường xuất - nhập khẩu. Riêng 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã chiếm tới 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 (trong đó: EU 18,5%, Mỹ 17,9%, ASEAN 14%, Nhật Bản 10,3%, Trung Quốc 10%).

Trong khi đó, 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta (theo thứ tự là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ) cũng chiếm tới 79,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 27,8% toàn bộ nhập khẩu của nước ta.

Sự phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường xuất - nhập khẩu dễ dẫn đến rủi ro khi có biến động bất lợi tại các thị trường đó, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á năm 1997-1998 và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Tám là, tính dễ tổn thương của nền kinh tế khi dựa quá nhiều vào xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam rất cao (lên đến khoảng 90% hiện nay) một mặt thể hiện độ mở cửa cao của nền kinh tế nước ta, song mặt khác cho thấy nền kinh tế hiện dựa quá nhiều vào xuất khẩu. Điều đó dẫn đến kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương khi thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh.

DỰ BÁO XUẤT KHẨU NĂM 2014

Dự báo triển vọng xuất khẩu năm 2014 được đưa ra dựa trên các yếu tố sau.

Thứ nhất, triển vọng kinh tế thế giới. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 là 3,6% và tăng trưởng thương mại toàn cầu là 4,9%, cải thiện hơn so với năm 2013 (Bảng 4). Đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam

Bảng 4: Dự báo kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2014

Ước 2013

Dự báo 2014

Thế giới

- Tăng trưởng kinh tế (%)

2,9

3,6

- Tăng trưởng thương mại (%)

2,9

4,9

Một số trung tâm kinh tế lớn

- Mỹ

1,2

2,0

- Eurozone

-0,4

1,0

- Nhật Bản

2,0

1,2

-Trung Quốc

7,8

7,3

- Ấn Độ

3,8

5,1

- ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam)

5,0

5,4

Nguồn: IMF, "World Economic Outlook” (Triển vọng kinh tế thế giới), tháng 10/2013

Thứ hai, triển vọng các thị trường xuất khẩu chính. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam (Mỹ, EU, Nhật, ASEAN) được dự báo là năm 2014 sẽ có mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013 (Bảng 5), do vậy nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng cao hơn.

Thứ ba, triển vọng giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn, dự báo giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới (trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) năm 2014 sẽ tăng hơn cao hơn năm 2013.

Thứ tư, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014. Năm 2014, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2013, đạt mức khoảng 5,6%-5,8%. Về nhập siêu, dự báo năm 2014 mức nhập siêu sẽ dưới 4% xuất khẩu (tức dưới 6 tỷ USD), thấp hơn chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là dưới 6% xuất khẩu (tức dưới 8,75 tỷ USD).

Bảng 5: Dự báo xuất - nhập khẩu năm 2014

Chỉ tiêu Quốc hội (1)

Dự báo khả năng đạt (2)

Xuất khẩu

Tăng 10% (đạt 145 tỷ USD)

Tăng 16% (đạt 153 tỷ USD)

Nhập khẩu

Dưới 6% xuất khẩu (dưới 8,75 tỷ USD)

Dưới 4% xuất khẩu (dưới 6 tỷ USD)

Nguồn: (1) Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp tháng 11+12/2013;

(2) Dự báo của tác giả

TS. Lê Quốc Phương

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 2/2014