Thực trạng phát triển

Theo báo cáo Thường niên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2012, xét trong giai đoạn 10 năm từ 2002 đến 2011, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ngày càng nhỏ về lao động nhưng lớn về vốn. Vào thời điểm 31/12/2002, số lao động bình quân 1 doanh nghiệp là 74 người, giảm xuống còn 34 người đến cuối năm 2011; còn nguồn vốn bình quân 1 doanh nghiệp tăng từ 23 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Nếu nhìn thoáng qua, chắc ai cũng sẽ mừng vì quy mô phát triển doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu (giảm lao động, tăng vốn), nhưng thực chất có đúng như vậy không?

Về nguyên tắc, để đảm bảo tính so sánh một chỉ tiêu liên quan đến tiền tệ giữa các thời kỳ (như nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận…), phải loại trừ ảnh hưởng của yếu tố giá để đưa chỉ tiêu cần phân tích về cùng một mặt bằng giá để đảm bảo tính so sánh. Báo cáo của VCCI đã bỏ qua yếu tố này! Từ đó có thể dẫn đến những ngộ nhận và đôi khi là các nhận định sai lầm.Để tính toán chỉ số giảm phát cho chỉ tiêu nguồn vốn của doanh nghiệp là rất phức tạp, tác giả tạm dùng chỉ số lạm phát của giai đoạn 2001-2011 (Bảng 2) nhằm đưa chỉ tiêu này về mặt bằng giá của năm 2001, kết quả lại đưa đến một thực trạng hoàn toàn khác.

Xét trong giai đoạn 2000-2011 (tính theo giá năm 2000), nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp giảm từ 26 tỷ đồng xuống còn khoảng 24,6 tỷ đồng. Trong đó, quy mô doanh nghiệp nhà nước tăng từ 129,6 tỷ đồng lên mức 798,5 tỷ đồng một doanh nghiệp, đây là mức tăng rất lớn; doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng có sự tăng lên về quy mô vốn, với 3,2 tỷ đồng bình quân một doanh nghiệp năm 2000 lên mức 13,1 tỷ đồng; còn doanh nghiệp FDI thì lại có sự sụt giảm, từ 157,5 tỷ đồng vốn bình quân một doanh nghiệp năm 2000 xuống chỉ còn 142,2 tỷ đồng vào năm 2011 (theo giá của năm 2000). Trong vòng 12 năm, nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng lên 4 lần, trong khi đó, nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng lên trên 6 lần.

Nguồn vốn bình quân một lao động của toàn khu vực doanh nghiệp cũng có sự tăng lên trong vòng 12 năm qua và chủ yếu là do khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Tính tổng chung của khu vực doanh nghiệp, nguồn vốn bình quân một lao động tăng từ 0,31 tỷ đồng năm 2000 lên 0,73 tỷ đồng vào năm 2011. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng mạnh nhất (từ 0,36 tỷ đồng một lao động năm 2000 lên 1,57 tỷ đồng vào năm 2011). Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, từ 0,11 tỷ đồng một lao động năm 2000 lên 0,61 tỷ đồng năm 2011. Cuối cùng là khu vực doanh nghiệp FDI, giảm từ 0,59 tỷ đồng một lao động năm 2000 xuống còn 0,5 tỷ đồng năm 2011. Khu vực doanh nghiệp FDI luôn được khá nhiều các chuyên gia đánh giá tốt về mặt thu hút đầu tư, lao động có tay nghề cao, trang bị máy móc, công nghệ tiên tiến... Tuy nhiên, thực trạng lại cho thấy, khu vực FDI thực chất chủ yếu thu hút một lượng đông đảo lao động có tay nghề thấp, mức trang bị vốn bình quân một lao động còn thấp hơn cả khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Tính riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước, số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng lại chiếm tới trên 30% nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp của khu vực này nếu xét theo yếu tố vốn vẫn tăng rất cao, dù là đã tính toán theo mặt bằng giá năm 2001. Bắt đầu từ năm 2007, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn có thể thấy đây là khu vực được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nên vẫn “vô tư phát triển về quy mô”.

Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là khu vực luôn được hô hào phát triển, tuy nhiên mới chỉ về mặt số lượng và chưa có một định hướng nào thật sự rõ ràng. Bất cập xảy ra khi mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp được “khai sinh” thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp “khai tử”. Tuy nhiên, vốn mà khu vực này bỏ ra cho sản xuất, kinh doanh lại là thực chất và đóng góp vào trong tăng trưởng là nhiều nhất (chiếm tỷ trọng gần 50% trong tổng GDP).

Theo nghiên cứu về hiệu quả đầu tư (ICOR) của chúng tôi: xét theo 3 giai đoạn 2000-2012; 2000-2006 và 2007-2012: Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vẫn là khu vực đầu tư hiệu quả nhất, tiếp đến là khu vực kinh tế Nhà nước và cuối cùng là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng yếu đi, kèm theo hiệu quả đầu tư của khu vực này cũng không hề được cải thiện, kể cả về lao động chất lượng cao và khoa học công nghệ cũng không tốt.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung chưa cao và có xu hướng thấp hơn năm 2006.

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế hành chính sự nghiệp năm 2012, tỷ lệ số doanh nghiệp kinh doanh có lãi là 53,9% (năm 2006 là 65,7%). Tỷ lệ số doanh nghiệp kinh doanh không lãi, không lỗ là 3,2%, tương đương với năm 2006. Còn lại 42,9% số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, cao hơn tỷ lệ 31,1% của năm 2006, nguyên nhân chủ yếu do năm 2011 nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng và suy giảm.

Xét theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong năm 2011 đạt cao nhất với 80,8%; còn lại là hai khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và FDI, với tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi tương ứng là 53,7% và 53,8%.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2011 đạt cao nhất với 61,5%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng 59,3% và cuối cùng là khu vực dịch vụ với 51,3%.

Xét về hiệu suất sử dụng lao động (tính bằng doanh thu bình quân/thu nhập bình quân một lao động), năm 2011, tính chung cho toàn khu vực doanh nghiệp đạt 17,9 lần, hay nói cách khác, doanh nghiệp trả 1 dồng cho thu nhập của người lao động thì tạo ra 17,9 đồng doanh thu (thấp hơn mức 18,2 lần của năm 2006).

Chỉ số nợ (tính bằng tổng nợ phải trả/tổng vốn chủ sở hữu) tại thời điểm 31/12/2011 của toàn khu vực doanh nghiệp là 2,1 lần (thấp hơn mức 2,2 lần của năm 2006). Chỉ số nợ năm 2011 cao nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước (với 3,3 lần); tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước (1,8 lần); và cuối cùng là khu vực FDI (1,3 lần). Xét theo khu vực kinh tế, thì khu vực dịch vụ là khu vực có chỉ số nợ cao nhất với 2,5 lần, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ có 1.6 lần; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 0,5 lần.

Chỉ số quay vòng vốn (tính bằng tổng doanh thu /tổng nguồn vốn) năm 2011 của toàn khu vực doanh nghiệp đạt 0,85 vòng (cao hơn mức tăng 0,81 vòng của năm 2006). Chia theo thành phần kinh tế, thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số quay vòng vốn cao nhất (0,97 vòng); tiếp đến là khu vực FDI (0,85 vòng); và khu vực doanh nghiệp nhà nước (0,81 vòng). Chia theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng là khu vực có chỉ số quay vòng vốn cao nhất (0,76 vòng); còn lại là hai khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản và dịch vụ có chỉ số quay vòng vốn tương ứng là 0,58 vòng và 0,59 vòng.

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) trong năm 2011 của khu vực doanh nghiệp đạt 2,5% (thấp hơn mức 5,5% của năm 2006). Khu vực FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản cao nhất trong năm 2011 (4,8%); tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (3,2%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,2%).

Hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu) của toàn khu vực doanh nghiệp năm 2011 cũng chỉ đạt 3,2% (thấp hơn mức 6,1% của năm 2006).

Kết luận và hàm ý

Như vậy, trong vòng 12 năm, số lượng doanh nghiệp tăng hơn 7,6 lần, từ 42 nghìn doanh nghiệp năm 2000 lên con số 324 nghìn doanh nghiệp vào năm 2011. Nguồn vốn của doanh nghiệp được hiểu là toàn bộ giá trị bằng tiền của tài sản cố định và tài sản lưu động đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với thực trạng phát triển và quy mô nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp như hiện nay, thì việc phát triển doanh nghiệp một cách ồ ạt trong thời gian qua đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Và, khi nền kinh tế bắt đầu gặp khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế yếu đi, tổng cung vốn đã yếu lại càng yếu hơn.

Vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết, nhưng cần có định hướng dài hạn. Quan trọng là phải có được “sự bình đẳng thật sự giữa các thành phần kinh tế” để cùng phát triển. Quy mô khu vực doanh nghiệp nhà nước cần đi vào thực chất, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phải có định hướng rõ ràng và chọn lọc, còn khu vực doanh nghiệp FDI cũng không cần thiết phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Trinh - Nguyễn Việt Phong (2012). Tính toán hiệu quả đầu tư trong các thành phần kinh tế và hàm ý chính sách, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03/2012

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2012). Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012

3. Tổng cục Thống kê (2012). Thực trạng doanh nghiệp Việt Nam 2002-2011

Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong