Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra, nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.

Cụ thể, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%.

Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.

Nhìn nhận lại cả năm 2013, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, mức tăng trưởng năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng khá là: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,52%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,91%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,89%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tuy mức tăng của ngành công nghiệp không cao (5,35%) nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,44% (Năm 2012 tăng 5,80%) đã tác động đến mức tăng GDP chung. Ngành xây dựng mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng đạt mức tăng 5,83%, cao hơn nhiều mức tăng 3,25% của năm trước cũng là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm nay.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế cả năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3% (Năm 2012 các tỷ trọng tương ứng là: 19,7%; 38,6% và 41,7%).

Xét về góc độ sử dụng GDP năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% so với năm 2012, đóng góp 3,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,45%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,08 điểm phần trăm do xuất siêu.

Tại cuộc họp báo lần này, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cũng thông báo việc điều chỉnh số liệu tổng sản phẩm trong nước GDP.

Theo ông Tuyến, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, Tổng cục Thống kê nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.

“Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm (VA = Thu nhập của người lao động từ sản xuất + Khấu hao TSCĐ + Thuế sản xuất khác + Thặng dư) của hai hoạt động trên vào đầu năm 2013 đồng thời với việc áp dụng tính toán theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ ngành kinh tế (VSIC) 1993 sang VSIC 2007”, ông Tuyến cho biết.

Do vậy, Tổng cục Thống kê thông báo phương pháp điều chỉnh số liệu GDP và sử dụng dãy số liệu điều chỉnh để tính toán các chỉ tiêu thống kê liên quan khác.

Ông Tuyến nêu rõ, từ năm 2002 đến nay, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại được thành lập mới, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng Tổng cục Thống kê thu thập chưa được cập nhật đầy đủ và thường xuyên. Trước thực tế đó, Tổng cục Thống kê chưa phản ánh hết được kết quả kinh doanh của hoạt động ngân hàng.

“Dựa vào kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 và năm 2012, Tổng cục Thống kê nhận thấy, khu vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tính toán qua số liệu từ báo cáo tài chính của ngân hàng thấp hơn khá nhiều so với kết quả tổng điều tra. Do vậy, Tổng cục Thống kê tính bổ sung để đảm bảo tính đầy đủ hơn về giá trị tăng thêm của khu vực này”, ông Tuyến cho biết.

Về việc tính VA đối với dịch vụ nhà tự có tự ở dựa trên giá trị hao mòn của từng loại nhà ở của dân cư. Thông tin để tính “dịch vụ nhà tự có tự ở” phải dựa vào tổng số diện tích nhà ở hiện có, giá thành xây dựng một m2 và số năm sử dụng phân theo loại nhà ở. Tuy nhiên, từ năm 1993, thông tin trên hàng năm thường thiếu, không đáp ứng được, do vậy việc tính toán dựa vào tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành xây dựng nhà ở của dân cư nên đã hình thành chuỗi số liệu chưa phản ánh hết.

Dựa vào kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nước ta có gần 20,9 triệu nhà ở; trong đó 9,7 triệu nhà kiên cố, 7,9 triệu nhà bán kiên cố, 1,7 triệu nhà thiếu kiên cố và trên 2 triệu nhà đơn sơ và khác và kết quả “điều tra thu thập thông tin tính GDP quý theo phương pháp sản xuất và sử dụng cuối cùng năm 2011”, Tổng cục Thống kê có cơ sở để tính đầy đủ hơn giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ nhà tự có tự ở.

Số liệu dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư năm 2011 tính từ phương pháp trên chiếm 3,96% GDP, nằm trong khoảng tỷ lệ mà Chuyên gia của các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị đối với các nước khi ước tính dịch vụ nhà tự có tự ở mà không thu thập được đầy đủ thông tin để tính toán.

Do chỉ tiêu GDP được dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê khác có liên quan như: GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP…Vì vậy, khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu nêu trên phải được tính toán lại. Số liệu GDP điều chỉnh đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tính toán các chỉ tiêu tài chính/GDP trong năm kế hoạch 2014.

Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh quy mô GDP cho dãy số liệu từ năm 2004-2012 theo giá hiện hành và giá so sánh, tốc độ tăng và cơ cấu. Dãy số liệu GDP điều chỉnh đã được công bố trong Niên giám thống kê năm 2012 và trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê. Điều chỉnh số liệu GDP để phản ánh sát đúng kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được của các năm trước đây.

“Tổng cục Thống kê chỉ công bố dãy số liệu GDP đã điều chỉnh, không công bố dãy số liệu cũ chưa điều chỉnh”, ông Tuyến nhấn mạnh./.