Việc thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

Tại báo cáo, Chính phủ chỉ rõ, việc thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã quyết liệt hơn so thời gian trước, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Về cơ cấu lại đầu tư công, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2017, tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công và hoàn thiện Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 nhằm đổi mới, cải cách hơn nữa thể chế quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của nền kinh tế thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Chính phủ cho hay, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 171.251 tỷ đồng để đầu tư 58 dự án BOT trong đó 57 dự án là đường bộ với tổng mức đầu tư 169.948 tỷ đồng. Các dự án này sau khi đưa vào khai thác đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi hiện trạng giao thông Việt Nam, đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện...

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức PPP còn gặp nhiều khó khăn, do tâm lý còn e ngại cơ sở pháp lý chưa vững chắc của các nhà đầu tư.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020. Chính phủ đã ban hành các Quyết định tạo cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và lộ trình rõ ràng, minh bạch cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng: Chính phủ đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện các phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu; cho phép áp dụng nhiều chính sách mới tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu; hướng tới mục tiêu giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém, củng cố các tổ chức tín dụng có quy mô, uy tín và hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Song, Chính phủ cũng thừa nhận, quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mới đạt được kết quả ban đầu, duy trì được hoạt động ổn định của hệ thống trong năm 2017, đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Các nội dung khác của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, như: cơ cấu lại ngân sách, khu vực công, ngành lĩnh vực, vùng kinh tế, thị trường yếu tố sản xuất... đều được các cấp, các ngành tập trung, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được trong năm 2017 chưa rõ nét, còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại

Cơ cấu lại khu vực công, nhất là giá các dịch vụ công, phí, lệ phí tuy đã được triển khai nhưng chưa thực sự phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế trong nước và khu vực.

Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều Đề án về cơ cấu lại các ngành công nghiệp, đổi mới công nghệ, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét; năng suất cải thiện chưa đáng kể; tỷ trọng ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp vẫn còn cao; các ngành công nghệ cao, ngành có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa có sự phát triển đáng kể.

Thị trường các yếu tố sản xuất đã có một số chuyển biến, nhưng chưa đáng kể, trong đó thị trường lao động còn tồn tại các rào cản về dịch chuyển lao động, thiếu thông tin thị trường, còn tồn tại giao dịch lao động phi chính thức; thị trường khoa học và công nghệ quy mô nhỏ, giá trị giao dịch thấp; thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn hạn chế;...

Cơ cấu kinh tế các vùng đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với lợi thế từng vùng; tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.Trong năm 2017, đã triển khai rà soát, xây dựng Đề án Phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, định hướng và xây dựng tuyến đường ven biển nối từ Quảng Ninh đến Nghệ An; xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

Tuy nhiên còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện như: sự chênh lệch về trình độ phát triển; vấn đề môi trường; khung khổ pháp lý chưa thống nhất; nguyên tắc, phạm vi, nội dung và phương thức điều phối liên kết chưa thực sự xuất phát từ chính lợi ích của doanh nghiệp và địa phương; khó khăn trong huy động nguồn lực…

Hoạt động của Ban Chỉ đạo các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự hiệu quả; đóng góp chưa nhiều trong việc tạo sức mạnh liên kết nội vùng, phát huy vai trò của các đầu tàu phát triển.

Những hạn chế và cách thức “hóa giải”

Chính phủ cũng thừa nhận, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm; việc triển khai cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ chưa đồng bộ ở các bộ, ngành địa phương; cơ chế, giải pháp đã được đề ra nhưng cách thức tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại; cơ cấu lại nông nghiệp tuy đạt được kết quả bước đầu, nhưng kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, tích tụ đất đai đã có chủ trương nhưng chuyển biến chậm, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp chưa hiệu quả, mô hình nông nghiệp hiệu quả cao chưa được quan tâm có thể dẫn tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phong trào, tạo dư thừa cung sản phẩm nông nghiệp...

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm trong thực hiện, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu; chậm đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,42%, cao hơn so với năm 2016; hệ số ICOR tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao (6,27).

Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Vì thế, để có thể thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ cho rằng cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, kế hoạch triển khai phải được ban hành kịp thời và rõ ràng về mục tiêu, giải pháp, tiêu chí đánh giá, giám sát, kèm theo chương trình hành động cụ thể.

Hai là, có quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm tại các cấp về tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong phạm vi ngành và liên ngành, vùng và liên vùng và quốc gia;

Ba là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhằm đạt được các kết quả cụ thể, có giám sát, đánh giá để điều chỉnh kịp thời./.