Lao động phi chính thức còn nhiều thiệt thòi

Theo thống kê của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện nay, lao động phi chính thức tại Việt Nam khoảng trên 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp, 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế.

Báo cáo điều tra về việc làm phi chính thức do Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổng Cục Thống kê, ILO mới tiến hành cũng chỉ ra, trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu trong các nhóm: công nghiệp chế biến – chế tạo (23,5%); xây dựng (9,1%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (26,2%). Trong đó, có đến hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật.

Hiện nay, nước ta có 18 triệu lao động phi chính thức với nguồn thu nhập bấp bênh

Mặc dù chiếm lực lượng khá đông đảo, nhưng theo đánh giá, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng này còn rất hạn chế, thậm chí bị lãng quên trong chính sách về việc làm, bảo hiểm (trên 98% lao động khu vực này không được đóng bảo hiểm xã hội). Bên cạnh đó, lao động phi chính thức được ký hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) cho biết, tiền lương của lao động phi chính thức chỉ bằng một nửa so với lao động chính thức, chưa kể lao động phi chính thức được ký hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ rất thấp. Chỉ có khoảng 21,2% lao động phi chính thức được ký hợp đồng trên 3 tháng trở lên. Có 76,7% lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm. Hiện có khoảng 62,1% lao động phi chính thức chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động và 14,6% không có bất cứ một thỏa thuận nào. Còn tiền lương bình quân/tháng của lao động chính thức là 6,7 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền lương mà khối lao động không chính thức nhận được là khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 58% với lao động chính thức.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay khoảng 243.000 người. Loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới lao động phi chính thức, nhưng con số đạt được quá thấp so với thực tế và kỳ vọng của Nhà nước sau gần mười năm triển khai chính sách này.

Trong số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có hơn 60% lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và cộng nối để hưởng hưu trí; gần 40% lao động tự nguyện tham gia, một tỷ lệ thực sự chưa cao. Nguyên nhân là người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là lao động phi chính thức, làm công việc tự do, bấp bênh, không ổn định. Đồng thời, nhận thức hiểu biết về chính sách của họ còn hạn chế, thiếu thông tin.

Từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% với người thuộc diện nghèo; bằng 25% đối với người thuộc diện cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng còn lại. Đây có thể là cú huých cho sự phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thực tế cho thấy, về mặt an sinh xã hội cũng như tham gia cộng đồng, lực lượng lao động phi chính thức này bị thiệt thòi nhiều. Họ gặp rất nhiều rủi ro như công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài và không có bảo hiểm, không có tổ chức công đoàn…

Tiếp tục “chính thức hoá” việc làm phi chính thức

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình “chính thức hoá” nền kinh tế, như: Chuyển hộ sản xuất, kinh doanh sang thành lập, đăng ký và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp, khuyến khích khởi sự doanh nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Từ đó, tỉ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm từ 58,8% năm 2014 xuống 58,3% năm 2015 và 57,2% năm 2016.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), để giảm bớt lao động phi chính thức, cần phải thúc đẩy “chính thức hóa” việc làm thông qua việc đưa lao động vào làm việc tại các công ty, có ký hợp đồng lao động và người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được bảo vệ quyền lợi.

Còn bà Nguyễn Thị Xuân Mai chỉ ra, chính sách phát triển nông thôn cần chú ý các hình thức hợp tác, liên kết các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ. Tạo điều kiện cho lao động tham gia cung cấp các sản phẩm thủ công và dịch vụ du lịch hay tham gia cung cấp sản phẩm “sạch” phục vụ cho các chuỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, để thu hút lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần thiết kế các chế độ đảm bảo công bằng với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhà nước có thể đưa ra các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, việc cung cấp thông tin tốt hơn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng cần được coi trọng, ưu tiên trong các hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Còn theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến cáo, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này. Cụ thể, muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức thì cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trọng tâm là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ./.

Tham khảo từ nguồn:

1.http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/lao-dong-phi-chinh-thuc-chua-duoc-quan-tam-ve-chinh-sach_t114c7n126012

2.http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/lao-dong-phi-chinh-thuc-cuoc-song-bap-benh-thu-nhap-thap-17817

3.http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1074/55094/luat-va-18-trieu-lao-dong-phi-chinh-thuc

4.http://bnews.vn/khuyen-nghi-chinh-sach-khac-phuc-su-yeu-the-doi-voi-lao-dong-phi-chinh-thuc/58787.html