Toàn cảnh Hội thảo

Tăng trưởng từ đâu?

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 2017, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,41%, xấp xỉ mức năm 2015 (6,53%), nhanh hơn so với cùng kỳ của các năm còn lại của giai đoạn 2011-2017.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý II/2017 đã lên tới 7,46% (quý I: 5,15%; quý II: 6,28%). Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm trung bình giai đoạn 2011-2017 đạt trung bình 5,81%.

Nếu xét xu hướng, trung bình giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng trung bình 9 tháng đầu năm con số 5,66%, 2 năm 2016 và 2017, bình quân đạt 6,2% cho thấy, khả năng khôi phục tốc độ tăng trưởng đạt ở mức cao nhất của thời kỳ này. Ước cả năm GDP đạt 6,7%...

Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng tăng cao, bù đắp được sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng. Dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, nhất là du lịch quốc tế đến Việt Nam. Xuất - nhập khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu đã đề ra của cả năm 2017...

“Năm 2017 sẽ đạt mục tiêu 6,7%. Tăng trưởng cao nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng và thu nhập khá xa. Tăng trưởng GNI ngày càng thấp và càng xa GDP. Vì vậy chúng ta không nên yên tâm dừng ở đó mà phải tìm xem sang năm tăng trưởng thế nào. Năm nay tăng trưởng kinh tế càng cao thì ta càng suy nghĩ nhiều xem năm sau và đến năm 2020 tăng trưởng sẽ ra sao, nhờ vào động lực tăng trưởng nào?”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi tại Diễn đàn Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra vào ngày 24/10/2017.

Tăng trưởng cao trong quý III, vậy tăng trưởng ở đâu ra? Theo ông Cung, mức tăng trưởng đạt được 9 tháng đầu năm là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay (trong đó có tăng trưởng mạnh của Samsung Việt Nam bán sản phẩm Samsung Note 8 ra thị trường) đã bù đắp sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng.

Tiếp theo là công nghiệp xây dựng và tăng trưởng của dịch vụ du lịch, tăng trưởng từ ngành nông, lâm thủy sản và từ khu vực đầu tư nước ngoài...

Đâu là động lực cho tăng trưởng những năm tiếp theo?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Những yếu tố này có còn tiếp tục là động lực cho tăng trưởng trong năm sau hay không, đặc biệt là những sản phẩm như Samsung Note 8 có nữa hay không? Và nếu có thì sẽ góp phần vào tăng trưởng được bao nhiêu?

“Nếu những yếu tố đẩy tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua sang năm không còn nữa, hoặc còn nhưng đóng góp cho tăng trưởng không nhiều thì ta trông vào động lực nào để tăng trưởng đạt mức 6,5-6,7%?”, người đứng đầu CIEM lại tiếp tục đặt câu hỏi.

Theo ông Cung để có được động lực tăng trưởng bền vững cho các năm 2018-2020, trước hết phải xác định năm 2018 là năm giảm chi phí kinh doanh, trọng tâm chính sách là phát triển thành phần kinh tế trong nước để thu hẹp khoảng cách GNI và GDP, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, giảm chi phí logicstic, đẩy mạnh cải cách DNNN, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.

“Tất cả những giải pháp này không phải là mới, vừa chúng ta đều đang thực hiện, nhưng vẫn đề là tới đây thực hiện thế nào”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng giải pháp quan trọng nữa đó là tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công mà giải pháp trước hết là phải nới trần nợ công, tháo nút thắt cho đầu tư công để có tăng trưởng.

Trần nợ công hiện nay đang là nút thắt ngặt nghèo kìm hãm đầu tư công, là nút thắt của tăng trưởng. Cần khẩn trương tháo bỏ các vướng mắc về quy trình, thủ tục hành chính… tập trung vốn đầu tư đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án quan trọng quốc gia như tuyến Metro1 TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao và Metro Hà Nội, sân bay Tân Sơn Nhất…

Muốn giảm bội chi và giữ an toàn cho nợ công, thì phải bằng cách giảm chi thường xuyên và nâng cao hiệu quả và kỷ luật chi tiêu ngân sách.

“Chúng ta không thể để bộ chi kéo dài do chi thường xuyên cao mãi như thế này. Cũng không thể kéo dài mãi những việc sờ sờ ra đấy kéo từ năm này qua năm khác mà không ai chịu trách nhiệm chẳng hạn như hầu hết các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, mức điều chính cứ gấp 1,5 đến 2 lần mức được duyệt. Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành phổ biến”, Viện trưởng Cung nói.

Hay như hiện tượng BOT, ở nhiều đoạn đường thu phí trước khi dự án hoàn thành, như vậy đây không còn là phí mà đã trở thành khoản thu thuế, thu hôm nay để đầu tư cho đoạn đường ngày mai. Giải pháp tiếp theo là cần truy trách nhiệm và xử lý tổ chức, cá nhân liên quan, ngăn chặn tái diễn hiện tượng này, đây cũng chính là một dư địa tạo động lực cho tăng trưởng.

Động lực tiếp theo, là các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điều này rất quan trọng.

“Giải pháp là tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bỏ ít nhất 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất ½ số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước”, ông Cung chỉ rõ.

Ông nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí logicstic, giảm chi phí công đoàn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Và không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính; và nếu tăng, không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động?

“Nhìn vào các lĩnh vực chính sách, ta thấy hiện lạm phát ổn định ở mức thấp, trong khi chúng ta đang đứng trước áp lực phải giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm lãi suất là một công cụ và đang có dư địa để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Làm được điều đó doanh nghiệp có điều kiện hơn nhiều, nhưng phải là giảm lãi suất đại trà chứ không phải là giảm lãi suất cho một số nhóm đối tượng ưu tiên”, TS. Nguyễn Đình Cung dẫn giải.

Từ đó, người đứng đầu CIEM cho rằng, có thể xem xét giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, Thiết lập mặt bằng lãi suất mới phù hợp hơn. Đặc biệt là lãi suất cơ bản…

“Năm ngoái ta còn giảm tiết kiệm 10%, giờ không còn dư địa này, vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả và hiệu lực kỷ luật ngân sách. Nâng cao hiệu quả đầu tư công”, TS. Nguyễn Đình Cung tiếp tục đề xuất.

Động lực tiếp theo là sửa Luật Đất đai, tạo điều kiện ban đầu hình thành thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp./.