Kinh tế thế giới – 1 năm nhiều biến động

Tổ chức vào những ngày cuối năm, chủ đề “Tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam và thế giới năm 2013, triển vọng năm 2014” mà Viện Kinh tế - Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo ngày 19/12 được coi là bức tranh khái quát đánh giá kinh tế, thương mại thế giới và Việt Nam năm 2013 và phác thảo những triển vọng của năm 2014.

Mở đầu Hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ cuối năm 2013 như: nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đang dần được khắc phục, kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn so với dự báo, các thành viên Tổ chức kinh tế thế giới (WTO) đạt được thỏa thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng...

Năm 2013 cũng là năm chứng kiến nhiều biến động đặc biệt về kinh tế với sự vươn lên ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc (dự kiến mức tăng trưởng GDP năm nay là 7,8%), cùng với đó, công nghệ về môi trường lên ngôi, kinh tế tri thức ngày càng nắm vai trò quan trọng - chìa khóa quyết định vận mệnh của nền kinh tế. Thêm vào đó, đây còn là thời kỳ xu hướng hội nhập ngày càng được đẩy mạnh, luật chơi thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Đây cũng là năm có nhiều biến động về giá cả xăng dầu, giá vàng…

Tuy nhiên, dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014 - 2015 nhưng sẽ có mức tăng thấp, và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: nợ công ở khu vực châu Âu, suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ...

Bên cạnh đó, TS. Đào Ngọc Tiến, Trường Đại học Ngoại thương cũng đánh giá tổng thể về tình hình thương mại Quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam trong năm vừa qua. Theo TS. Tiến, hoạt động thương mại của Trung Quốc có sự tăng trưởng vượt trội. Đối khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong năm qua, cơ cấu hàng hóa không có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực dần thay thế bởi FDI nội khối thay cho vốn đầu tư từ các nước phát triển ngoài khu vực. Theo vị chuyên gia nghiên cứu về thương mại này nhận định, nhược điểm của khu vực này là vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới và Trung Quốc.

Việt Nam cần làm gì?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam có nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức từ hội nhập. Đáng chú ý là sự kiện hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 với thị trường thống nhất, mở rộng đầu tư, giảm thuế quan... Hay chương trình Hiệp định thương mại xuyên châu Á – Thái Bình Dương (TPP) tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu, thu hút FDI....

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ để tận dụng cơ hội phát triển. Ông Doanh cũng đưa ra những dẫn chứng như: các ngành dịch vụ sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt; các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường TPP đòi hỏi phải có “hàm lượng TPP” chiếm 70%.

Trong khi thực tế, tại Việt Nam, để làm ra một sản phẩm, chúng ta đã phải nhập tới 70% linh kiện của Trung Quốc, như thể “xe ô tô Việt Nam chỉ chở có 3 người Việt và cho 7 người Trung Quốc đi nhờ”, vị chuyên gia đưa ra lối dẫn chứng hóm hỉnh như vậy.

TS. Doanh cũng chỉ ra một số trở ngại tới tăng trưởng kinh tế khi niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm; tồn đọng nợ xấu, đổ vỡ bất động sản; chính sách tài khóa bị thu hẹp, đầu tư công kém hiệu quả; bất cập của thể chế nhà nước trong nền kinh tế thị trường; các trở ngại cơ cấu – các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, kết cấu hạ tầng (logistics), lao động chất lượng cao, sự giảm sút sức cạnh tranh và năng suất lao động thấp; Nguồn cung hạn chế về các kỹ năng, kỹ thuật của kinh tế thị trường...

Do đó, cần có các lựa chọn quan trọng về chính sách tài khóa: cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô, cần minh bạch tài khóa hơn nữa cũng như đẩy mạnh tái cấu trúc nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thêm vào đó, nợ công tăng nhanh, gánh nặng trả nợ tăng lên khiến cho ngay cả khi chỉ tăng tốc độ chi ngân sách ở mức nhỏ cũng sẽ gây nguy cơ làm méo mó các cân đối về nợ.

Dự báo về tình hình kinh tế năm 2014, TS. Lê Đăng Doanh đồng ý với dự kiến của Chính phủ về việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát với các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; bội chi ngân sách khoảng 5,3% GDP...

Cũng theo TS Doanh, các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng, giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nông nghiệp - nông thôn vẫn còn ở phía trước.

Thêm vào đó là nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách nhà nước mà then chốt là cải cách thể chế, thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân và tình hình này vẫn còn phức tạp, cần thận trọng và đề phòng rủi ro./.