Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng

Một số nội dung cần làm rõ

Về một số ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Dũng đã tập trung giải trình rõ thêm một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tại sao Luật Quy hoạch này lại không điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn mà vẫn để thực hiện riêng là vẫn thực hiện theo Luật Đô thị và Luật Xây dựng.

Lý do thứ nhất là do Luật Quy hoạch của chúng ta điều chỉnh về không gian lãnh thổ ở một quy mô lớn cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh và cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trên lãnh thổ đó. Trên thế giới hầu hết đều có quy hoạch đô thị này riêng cho phát triển đô thị.

Thứ hai là quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tổ chức và sắp xếp không gian sống và phát triển một đô thị, điểm dân cư cụ thể nên có những yếu tố yêu cầu về kỹ thuật khác nhau dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để thiết lập lên các không gian sống đó.

Do vậy, cần phải có quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện được quy định ở một luật riêng. Ta đang có Luật Đô thị và Luật Xây dựng có thể thực hiện riêng cho tính đặc thù của quy hoạch này.

Việc hình thành các quy hoạch đô thị xuất phát từ việc phát triển kinh tế và nhu cầu phát triển khách quan của xã hội và phụ thuộc vào tình hình cụ thể phát triển trong quy hoạch tổng thể của quốc gia. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và nông thôn này chúng tôi cũng đã đưa một điều khoản để quy định rằng tuy là áp dụng riêng theo Luật Đô thị và Luật Xây dựng nhưng các nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch thì tất cả các quy hoạch này vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc chung của bộ luật này.

Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng Dũng là lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, thì báo cáo với Quốc hội đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra khái niệm này.

“Đây là xu thế mà từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước đặt ra và thấy rằng chúng ta không thể ngành nọ, ngành kia mà tự tách rời nhau ra để lập từng quy hoạch riêng, cần phải có sự tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức lập phương pháp này nên chắc chắn sẽ còn có vấn đề khó, vấn đề thách thức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, Bộ trưởng nhất trí với một ý kiến của một đại biểu nêu là chúng ta cần phải đẩy mạnh các ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các phần mềm để làm sao phương pháp của chúng ta xây dựng đảm bảo thống nhất và công khai, minh bạch một cách độc lập, chất lượng tốt nhất và với thời gian nhanh nhất.

Về quy trình lập, trước hết là không phải do một cơ quan hay một tổ chức nào có thể lập được quy hoạch này mà tất cả phải cùng tham gia của các bộ, ngành liên quan, của các chuyên gia liên quan, kể cả trong nước và ngoài nước, cũng phải lập từ quan hệ là từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định.

Về việc mối quan hệ trong các quy hoạch và xử lý các trường hợp khi có mâu thuẫn, một số đại biểu đã nêu, Bộ trưởng nói rõ, trong luật đã quy định thứ tự, trình tự và các căn cứ phụ thuộc lẫn nhau và các quan hệ lẫn nhau. Khi có trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp sẽ xử lý theo hướng như thế này, nếu các quy hoạch ngành quốc gia mà mâu thuẫn với nhau phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nếu các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch ngành, quốc gia thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia. Còn nếu các quy hoạch vùng mâu thuẫn với nhau và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với nhau thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch của cấp trên.

Trường hợp quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch vùng phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch của cấp quốc gia đã thiết kế rất rõ ràng và về mối quan hệ cũng như xử lý khi có các trường hợp mâu thuẫn giữa các luật với nhau cùng cấp như vậy.

Vấn đề thứ tư, theo Bộ trưởng là về điều chỉnh quy hoạch. Đây là một vấn đề rất quan trọng, rất phức tạp, trong thực tiễn nếu chúng ta quy định quá cứng nhắc để chúng ta không linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển thì sẽ gây cản trở hoặc sẽ làm chậm việc phát triển lại.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta quy định không chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ dẫn đến tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Dự thảo Luật không hề thiết kế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ôm” quá nhiều

Về các nguyên tắc lập thẩm định và phê duyệt, Bộ trưởng Dũng cho biết, có 3 nguyên tắc chính:

Thứ nhất là phải tách biệt được cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Thứ hai là cơ quan phê duyệt thì phải trên 1 cấp của quy hoạch đó.

Thứ ba là ai phê duyệt thì người đó tổ chức Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Liên quan đến một việc mà có một số ý kiến các đại biểu có nêu là tại sao quy hoạch cấp tỉnh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là cơ quan thành lập hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Dũng cho biết, dự thảo ban đầu thì chúng tôi đề nghị Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định theo đúng nguyên tắc tôi vừa báo cáo.

Tuy nhiên, Chính phủ có yêu cầu khi lập các quy hoạch cấp tỉnh thì có rất nhiều các quy hoạch còn có thể phải xử lý trong các trường hợp điều chỉnh, nếu trường hợp nào cũng đưa lên cho Chính phủ thì rất phức tạp và rất nhiều.

Do vậy, Chính phủ ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch giúp Thủ tướng làm một việc là thành lập Hội đồng đó và tổ chức thẩm định, sau đó vẫn phải trình cho Thủ tướng.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng, Dự thảo Luật không hề thiết kế theo cách đi qua đi lại Bộ Kế hoạch - Đầu tư quá nhiều.

“Tất cả các quy hoạch thì bộ nào, ngành nào, địa phương nào trước đây lập như thế nào thì hiện nay vẫn thực hiện theo như thế không có chuyện và không có việc thiết kế để đưa các việc đó về Bộ Kế hoạch, vì Bộ Kế hoạch không phải cơ quan lập các quy hoạch cụ thể của các ngành mà Bộ Kế hoạch là cơ quan quản lý nhà nước về công tác quy hoạch và giúp Thủ tướng Chính phủ trong một số việc như thành lập Hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định quy hoạch đó mà thôi”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, đây là một mô hình mới, lần đầu tiên chúng ta có chủ trương thành lập.

Khi lập quy hoạch của khu hành chính - kinh tế đặc biệt, phải phụ thuộc vào quy mô của khu này. Tuy nhiên, quy mô của các khu này chúng ta chưa rõ vì Quốc hội chưa xem xét đến luật này.

“Trong kỳ họp này, chúng ta sẽ xem xét Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có hẳn 1 chương nói về quy hoạch của khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Do vậy, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì tức là chúng ta đã xem xét cả vấn đề quy hoạch của khu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở trong luật đó”, Bộ trưởng cung cấp thêm.

Còn về Điều 30, Bộ trưởng cho biết, để nói rõ hơn một số quy hoạch ngành và kỹ thuật, để giải thích thì Ban soạn thảo cùng với Ủy ban Kinh tế có đưa vào Điều 30. Tuy nhiên, Điều 30 lại đang nằm trong Chương nói về nội dung.

“Chúng tôi xin tiếp thu để nghiên cứu vấn đề này. Nếu được, chúng tôi chuyển Điều 30 lên Điều 3 để giải thích từ ngữ thì có lẽ phù hợp và chặt chẽ về kết cấu hơn”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Về kinh phí lập quy hoạch, Bộ trưởng Dũng đánh giá, khi mà chúng ta xác định đưa vào đầu tư công nhưng kế hoạch của 2018 chúng ta đã trình để thông qua thì chưa nói đến vấn đề cho chi phí lập quy hoạch.

Vì bản chất những vấn đề này là chưa được thông qua, nên chưa có căn cứ để bố trí trong năm 2018.

“Chúng tôi cũng xin phép Quốc hội là cho phép có một điều khoản như thế nào đó để có thể xử lý được vấn đề là khi luật được thông qua kỳ này thì phải có đủ kinh phí để cho tiến hành công tác lập quy hoạch ngay, nhất là các quy hoạch tổng thể cho quốc gia nói chung, cũng như của vùng, rồi cho đến tỉnh”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Còn một vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường, Bộ trưởng khẳng định, chính Luật Quy hoạch này đã giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường. Đó là chúng ta đã bỏ các quyền sản phẩm, lợn gà lúc nãy có đại biểu vừa mới nêu thì bây giờ không còn quy hoạch đó nữa mà do thị trường quyết định và Nhà nước làm công tác dự báo, phân tích, thông tin để tuyên truyền chứ Nhà nước không lập các quy hoạch các sản phẩm cụ thể.

Các quy hoạch ngành thì chúng ta chỉ giữ nhưng quy hoạch ngành liên quan đến kết cấu hạ tầng và khai thác sử dụng tài nguyên vì hạ tầng phải đi trước và phải cứng, phải ổn định còn tài nguyên không tái tạo được nên không được sử dụng lãng phí, cần phải có một quy hoạch”, Bộ trưởng khẳng định./.