Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCEIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” vừa diễn ra ngày 12/12/2013.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cùng bà Mai Thị Thu - Giám đốc Trung Tâm thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo

Kinh tế năm 2013: Phục hồi chưa rõ nét

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định: “Nhìn lại một năm sắp đi qua, những kết quả đạt được trong năm 2013 cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng”.

Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng dần qua các quý (quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00% và quý III tăng 5,54%) và 9 tháng đầu năm 2013 tăng 5,14%. Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2013 mặc dù còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ năm 2010 và mức tăng 5,92% của cùng kỳ năm 2011 nhưng đã cao hơn với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5,39%). Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp được cải thiện, hàng tồn kho giảm, nợ xấu dần được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận, các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn, đòi hỏi chúng ta phải phân tích, đánh giá một cách chi tiết tác động và hiệu quả của các giải pháp, chính sách để có kiến nghị cụ thể và xác đáng cho công tác điều hành nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng trong năm 2014.

Làm rõ hơn đánh giá của Thứ trưởng Đông, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết: trong năm 2013, kinh tế Việt Nam đã dần dần được cải thiện hơn nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và chưa vững chắc.

Theo bà Mai Thị Thu, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng tổng vốn đầu tư vẫn tăng khá chậm, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý III/2013 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012. Tiêu dùng không được cải thiện nhiều do người lao động, làm công ăn lương thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế. Các doanh nghiệp giảm chi tiêu do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp quy mô (do thiếu vốn, phần vì hàng hóa không có thị trường tiêu thụ). Lạm phát thấp, có một phần nguyên nhân do tổng cầu yếu. Thu nhập hạn chế làm người dân "thắt lưng, buộc bụng", luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế do chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, dẫn đến lượng tiền lưu thông hạn chế, qua đó làm giảm sức ép tăng giá, duy trì mức lạm phát thấp. Lãi suất giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Các ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp cũng mong tiếp cận được nguồn vốn, thế nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau. Phía doanh nghiệp không thể tiếp cận được những khoản vay là do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do ngân hàng đặt ra.

“Tốc độ tăng xuất khẩu ấn tượng đạt được chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp FDI .Đây mới chính là khu vực làm giảm mức nhập siêu của nền kinh tế 2 năm trở lại đây”, bà Thu nói.

Mặt khác, việc kim ngạch nhập khẩu giảm, nhất là giảm trong nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho thấy hoạt động sản xuất còn chưa thực sự hồi phục.

Không nên đổ lỗi cho bên ngoài

Lấy trường hợp của Philipines, mặc dù chịu thiệt hại rất lớn từ cơn bão Hải Yến, nhưng vẫn được WB và các tổ chức quốc tế dự báo có mức tăng trưởng hơn nước ta, GS, TS. Nguyễn Mại thẳng thắn: “Chúng ta không nên đổ lỗi cho bên ngoài, tăng trưởng GDP thấp là chủ yếu do điều hành, nội lực trong nước. Nếu vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng chỉ 5-6% như vừa qua, thì nguy cơ sẽ rất nhiều”.

Dẫn lời của TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vừa qua rằng, trong 4 động lực phát triển của Việt Nam, 3 động lực đang nghẽn, chỉ có đầu tư nước ngoài đang chảy, vị giáo sư này chỉ rõ: “Để tăng trưởng cao hơn, thì cần phải thúc đẩy và kích hoạt động lực chạy nhanh hơn”.

Còn TS. Nguyễn Bửu Quyền lại băn khoăn: “Có lẽ mô hình của chúng ta có vấn đề. Chúng ta mới tác động đến đầu vào, mà lại chưa chú ý đến đầu ra. Và, khi đầu ra không được chú ý thì rất dễ tắc, gây những hệ lụy lớn. Yếu tố tạo động lực không đáng kể để thay đổi cục diện”.

Năm 2013, mặc dù kinh tế Việt Nam đã dần được cải thiện nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và chưa vững chắc. Các chính sách của Chính phủ đã bước đầu phát huy hiệu quả song vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, do thiếu quyết liệt hoặc được ban hành chậm so với yêu cầu của thị trường, chưa có đột biến để phục hồi niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh trong nước.

Dưới góc độ chính sách, TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Khung chính sách ban hành hình như chưa thực sự đi vào trong cuộc sống. Như rà soát, giảm đầu tư công, có giảm về con số nhưng chưa thấy có các giải pháp để giảm ICOR”.

Năm 2014: Sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt

Tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra 2 kịch bản dự báo của năm 2014. Theo đó, với kịch bản có tính khả thi, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế, những điểm nghẽn của nền kinh tế được giải quyết theo hướng tích cực, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%; Chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2013, đạt khoảng 7%; tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,03%, CPI khoảng 7,2%.

Kịch bản tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra, nếu nền kinh tế trong nước phát triển được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hồi phục kinh tế thế giới, tận dụng được lợi thế về mở rộng đầu tư thương mại.

Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ đạt gần 6,2%, lạm phát được khống chế ở mức trên 7%. Tăng trưởng GDP năm 2015 sẽ đạt 6,5%, CPI khoảng 7,5%.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, 2014 là năm được cho là sẽ có luồng vốn FDI lớn hơn đổ vào Việt Nam, khi các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng lại đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

“Dự báo năm 2014, các cơ chế, chính sách sẽ phát huy được hiệu quả hơn do nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động đã chứng minh được nguồn lực và tính khả thi trong hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi Chính phủ kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014 thì đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại”, thay mặt nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, bà Mai Thị Thu cho hay.

Thêm vào đó, các cơ chế, chính sách ban hành trong các năm, đặc biệt là năm 2013, mặc dù muộn song cũng đã trải qua một quá trình tổ chức thực hiện, phản hồi và điều chỉnh, để có thể áp dụng trơn tru năm 2014.

Các điều kiện cần cho mỗi chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng đã hội đủ và thuận lợi, bao gồm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế vĩ mô trong nước dần ổn định và thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp.

Năm 2014 là năm “tăng tốc” phát triển để dạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế, mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu như trước đây.

Bên cạnh đó, tình hình thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài khả quan cộng với tiến bộ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ phá vỡ vòng bó buộc và tạo đột biến cho doanh nghiệp trong nước tăng tính cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.