Khi niềm tin bị đánh cắp

Câu chuyện bắt đầu từ việc một doanh nghiệp mua một lô hàng khăn lụa của Khải Silk, thương hiệu lụa nổi tiếng với dòng hàng cao cấp trong nước. Thế nhưng, lẫn trong số khăn này lại có chiếc khăn có đến hai nhãn mác: xuất xứ từ Khải Silk, Việt Nam và xuất xứ Trung Quốc.

Khăn của Khải Silk dán nhãn mác Made in China

Người mua hoang mang, không biết mình đang sử dụng chiếc khăn lụa cao cấp có nguồn gốc từ đâu? Trả lời cho vấn đề này, ông chủ Khải Silk cho biết, đây chỉ là một “sự cố kỹ thuật” khi lô hàng bị thiếu 1 chiếc khăn, nhân viên lấy tạm khăn mà Khải Silk sản xuất cho đối tác Hong Kong, nhưng vì lý do thủ tục nhập khẩu nên phải in trên nhãn “made in China”.

Tuy nhiên, lời giải thích khó có thể thuyết phục được người tiêu dùng khi mà nhiều người khác cũng liên tục cung cấp những chiếc khăn được mua của thương hiệu Khải Silk “made in Việt Nam”, nhưng cạnh đó là một tem nhãn khác đã bị cắt đi, chỉ còn lại một mẩu, khó tránh khiến người ta phải đoán già đoán non...

Ngay sau đó, trả lời với một số báo điện tử, như: Thanh niên, Dân trí, Lao động... ông chủ của Khaisilk là Hoàng Khải đã lên tiếng thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Theo ông Khải, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 1990, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.

Khi đó, chính ông Khải đã sang Trung Quốc nhập hàng về vì nghĩ đơn giản rằng "các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa".

Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo. Vì vậy, hiện sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk.

Ông Khải cũng cam kết sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn.

Rõ ràng, việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của thương hiệu này, dù ông chủ Hoàng Khải đã lên tiếng xin lỗi.

Trước vụ việc này, ngày 26/10/2017, Văn phòng Bộ Công Thương vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đề nghị Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiểm tra vụ việc liên quan tới xuất xứ hàng hoá của Tập đoàn Khaisilk.

Tư duy ăn xổi của người kinh doanh

Có thể nói, đây không chỉ là thiệt hại của một doanh nghiệp mà là của cả thương hiệu Việt trong mắt khách hàng quốc tế. Bởi lẽ, Khaisilk là thương hiệu tơ lụa Việt định hướng xây dựng thượng hiệu Việt Nam sang trọng, đẳng cấp, mang quốc hồn quốc tuý Việt Nam và nó như niềm tự nào của những người Việt.

Tuy nhiên, câu chuyện này không mới khi phải thừa nhận, trên thị trường hiện nay, việc hàng loạt hàng hóa Trung Quốc gắn mác Made in Việt Nam, đặc biệt hàng tiêu dùng, may mặc... không phải là hiếm thấy. Không khó để tìm thấy những bộ đồ “hàng hiệu” bán trong các cửa hàng lớn với giá hàng triệu đồng – trong khi chỉ mấy bước chân ra hè phố, chợ, ngách nhỏ, có thể dễ dàng tìm thấy những bộ đồ giống hệt với cùng chất liệu, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều.

Việc làm giả, hay bán hàng giả, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt bán trôi nổi trên thị trường là rất nhiều, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt cũng khó để truy quét hết được.

Hay như chuyện các sản phẩm Việt nhưng xuất xứ Trung Quốc không còn hiếm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam. Ngay tại một số làng gốm nổi tiếng trong nước, sản phẩm thủ công được bày bán ít ỏi bên những sản phẩm Trung Quốc bắt mắt với màu sắc rực rỡ. Những làng tre, làng cói với chiếu cói được rao là dệt tay hoàn toàn, nhưng trong một góc nhỏ, vẫn in nơi xuất xứ Trung Quốc.

Rồi cả nông sản Việt, vẫn thường xảy ra chuyện rau củ, người ta mua hàng bên kia biên giới về, áo lên một lớp bùn đỏ, giả danh nông sản Việt, đem về bán với giá cao dành cho nông sản sạch...

Câu chuyện hàng Trung Quốc khoác áo Việt là cả một câu chuyện dài và tồn tại nhiều vấn đề của nền sản xuất trong nước. Khó lòng ngăn thương lái sử dụng những “chiêu trò” kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như thế, bởi, trong khi hàng Việt thủ công chất lượng tốt và an toàn, nhưng mẫu mã và giá cả khó lòng mà cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Hàng lụa Việt, được dệt ra từ tơ tằm thật, gốm Việt được nung từ cao lanh, làm tay kì công, hay cả nhiều sản phẩm thủ công khác, kĩ thuật chưa sắc sảo, in màu lên chưa nổi bật, giá thành lại không thấp, làm sao cạnh tranh với hàng Trung Quốc vừa đẹp lộng lẫy, bắt mắt, lại rẻ hơn nhiều. Nhập về dán nhãn hàng Việt bán, đó là một bài toán dễ dàng sinh lợi của các thương lái.

Những câu chuyện nói trên nhìn chung bắt nguồn cũng từ tư duy “ăn xổi” của người kinh doanh trong nước. Bởi họ lựa chọn con đường tắt để làm giàu, thay vì chọn học hỏi, đầu tư nghiêm túc, tuân thủ quy chuẩn chất lượng, cải tiến mẫu mã, năng suất làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh thì chăm chăm đi nhập hàng bên ngoài, dán nhãn lại, đánh lừa người tiêu dùng của mình.

Những doanh nghiệp ấy đang góp phần bào mòn niềm tin của những người đã tin tưởng và lựa chọn họ.

Dân gian vẫn lưu truyền câu "mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng" quả không sai, nhất là với vụ việc của Khải Silk. Đây chính là bài học cảnh tỉnh cho không chỉ Khải Silk, mà còn cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hãy giữ lấy chữ "tín" làm hàng đầu trong kinh doanh và giữ gìn thương hiệu nếu muốn trụ vững và phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://thanhnien.vn/kinh-doanh/khaisilk-thua-nhan-50-khan-lua-la-hang-trung-quoc-893707.html

http://nld.com.vn/thoi-su/khaisilk-mua-danh-3-van-20171026215904238.htm

http://dantri.com.vn/su-kien/bo-truong-cong-thuong-yeu-cau-bao-cao-ve-xuat-xu-khan-lua-cua-khaisilk-20171026124623075.htm