Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra số Tạp chí đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về con đường đã qua và định hướng phát triển thời gian tới đối với Tạp chí của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

PV: Năm 2017 đánh dấu cột mốc 50 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. 50 năm là chặng đường dài của một tờ tạp chí của ngành, Bộ trưởng có thể cho một vài nhận xét, đánh giá những thành tựu và thách thức lớn nhất của Tạp chí thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo như tôi được biết, năm 1967, xuất phát từ những yêu cầu và điều kiện cụ thể của Ngành, Tập san Công tác kế hoạch (tiền thân của Tạp chí Kinh tế và Dự báo) đã ra đời số đầu tiên. Mặc dù, trong thời kỳ này, sự ra đời của Tập san còn có nhiều khó khăn, hạn chế (do điều kiện kinh tế thời chiến, hoạt động trong cơ chế bao cấp, trình độ thông tin và nhận thức về hệ thống thông tin kinh tế còn hạn chế…) song yêu cầu, nhiệm vụ triển khai công tác kế hoạch trong thực tiễn đã đòi hỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phải có tờ báo của Ngành, cho dù ban đầu chỉ là tờ Tập san phát hành mỗi quý/kỳ.

Ngày 29/07/1967, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Trần Hữu Dực đã ký Giấy phép xuất bản báo chí số 1586/Vg cho phép xuất bản Tập san Công tác kế hoạch, 3 tháng một kỳ và người chịu trách nhiệm làm Chủ nhiệm đầu tiên của tờ Tập san là đồng chí Đặng Thí, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Sau đó 3 tháng, vào tháng 10/1967, Tập san Công tác kế hoạch đã ra số đầu tiên. Đến tháng 06/1976, gắn liền với thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế đất nước, Tập san được phép chuyển thành Tạp chí Công tác kế hoạch. Sau đó, vào tháng 01/1979 đổi tên là Tạp chí Kế hoạch hóa. Tạp chí với tên Kế hoạch hoá tiếp tục được duy trì đến tháng 9/1991, từ tháng 10/1991, được phép chuyển thành Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Từ đó đến nay, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã trải qua 50 năm hoạt động. Gắn liền với những chuyển biến chiến lược của từng thời kỳ cách mạng nước ta, thích ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới, cơ cấu tổ chức bộ máy hệ thống kế hoạch nhà nước trong từng giai đoạn phát triển, Tạp chí đã từng bước lớn lên.

Nếu đối tượng của Tập san xưa là đông đảo cán bộ nghiên cứu và quản lý kinh tế, chủ yếu là cán bộ kế hoạch cấp tỉnh và huyện, cán bộ kế hoạch ở đơn vị cơ sở (xí nghiệp, công trường, nông - lâm trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), thì nay đối tượng phục vụ của Tạp chí được xác định rộng hơn trước. Không riêng cán bộ trong ngành Kế hoạch và Đầu tư, mà còn bao gồm các cán bộ quản lý kinh tế từ Trung ương đến địa phương, đến cơ sở (các loại hình doanh nghiệp), cán bộ và sinh viên các trường đại học có môn học về quản lý kinh tế, kế hoạch phát triển, đầu tư...

Có thể nói, Tập san Công tác kế hoạch, sau đó là Tạp chí Kế hoạch hóa trước đây và Tạp chí Kinh tế và Dự báo ngày nay, tuy có mặt chưa theo kịp yêu cầu mới, chưa đạt trình độ hiện đại như mong muốn về cả nội dung và hình thức, song đánh giá trong cả hệ thống báo chí về lĩnh vực kinh tế - kế hoạch, kinh tế đầu tư ở nước ta, thì Tạp chí của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trước đây và nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn có vai trò đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến những thông tin tổng hợp, có hệ thống về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong định hướng hoạt động đầu tư phát triển của cả nước ta ở từng thời gian nhất định. Đây cũng là một lợi thế của Tạp chí với vị trí là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tạp chí hiện cũng đã có những đổi mới về hình thức, đồng thời cũng đã từng bước cải tiến công tác tổ chức và quản lý Toà soạn, nâng cao chất lượng thông tin, mở rộng xuất bản, phát hành tạp chí và sách nghiệp vụ phục vụ đông đảo bạn đọc trong và ngoài Ngành.

Các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển đất nước. Các bài viết, các ấn phẩm của Tạp chí, với thông tin phong phú, phân tích sâu các vấn đề kinh tế, xã hội đã được bạn đọc đánh giá cao và là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích với cán bộ quản lý, những người nghiên cứu khoa học.

Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Tạp chí trở thành diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách trao đổi những vấn đề nóng, thời sự về kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Tôi rất mừng là trong những năm qua, dù có những khó khăn, nhưng các cán bộ Tạp chí đã rất chủ động tìm tòi khám phá phương thức mới, cơ chế mới trong hoạt động để không những có thể tồn tại, mà còn nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của Tạp chí, tạo không khí thi đua. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu rất đáng khen ngợi.

Với thành tích đó, Tạp chí là đơn vị vinh dự trong Ngành được Nhà nước tặng cả bộ Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1982), hạng Hai (năm 1985), hạng Nhất (năm 1997) và hạng Nhất lần thứ hai năm 2007; Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012) và được tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, của UBKHNN (trước đây) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam...

Tôi chúc mừng Tạp chí Kinh tế và Dự báo về những thành tích rất đáng tự hào này!

PV: Trong bối cảnh báo chí không chỉ cạnh tranh khốc liệt với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các phương tiện hiện đại, như: báo chí điện tử, mạng xã hội… hiện nay, Bộ trưởng có gợi ý giải pháp gì để Tạp chí nói riêng, báo chí của Bộ nói chung có thể giữ vững và phát triển hơn nữa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nếu chúng ta không đi thật nhanh trong một thế giới thay đổi liên tục, thì sẽ bị tụt hậu. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về bẫy thu nhập trung bình, từ sự hội nhập quốc tế, về biến đổi khí hậu… Điều đó đòi hỏi muốn tồn tại và phát triển, thì phải vượt qua những thách thức và biến thách thức thành cơ hội. Yêu cầu đó không phải chỉ với nền kinh tế cả nước, mà cả khối báo chí nói chung.

Bối cảnh mới của đất nước đòi hỏi báo chí trong Bộ, trong đó có Tạp chí, phải đổi mới nội dung theo hướng từng bước nâng cao tính thực tiễn và hấp dẫn, thiết thực đáp ứng nhu cầu thông tin của đối tượng phục vụ. Đây là mục tiêu hàng đầu và cũng là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển.

Thời gian tới, dự báo sẽ có rất nhiều thách thức với Tạp chí khi thực hiện chủ trương cải tổ lại hệ thống báo chí trên cả nước. Đây là cuộc cải tổ lớn và Tạp chí phải vươn lên, sẵn sàng đối mặt với thách thức đó. Muốn vậy, cần phải khẳng định được vị trí, vai trò của mình, là một tạp chí mạnh về kinh tế và dự báo. Các bài viết cần phải sâu sắc, có giá trị thực sự thì người đọc mới tìm đến. Cái quan trọng nhất là chất lượng của bài viết phải gắn được với thương hiệu của Tạp chí, chỉ có vậy mới có thể tồn tại.

Tôi xin chia sẻ thế này. Theo thời gian, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội biến đổi và đặt ra những yêu cầu mới, theo đó, hệ thống thông tin báo chí cũng cần chuyển hướng thích hợp. Kịp thời nắm bắt cơ hội và điều kiện mới, phát hiện nhân tố mới, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc… nhằm đổi mới tổ chức và quản các hoạt động; biết vận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hiện nay; thành thạo ngoại ngữ để “chắp cánh” cho những thông tin, kiến thức trên các trang Tạp chí vươn xa hơn nữa, thu hút ngày càng đông đảo các đối tượng bạn đọc trong và ngoài nước.

Tính thực tiễn và tính hấp dẫn của tạp chí kinh tế được thể hiện chủ yếu từ nội dung tạp chí (đương nhiên về hình thức tạp chí cũng có ý nghĩa quan trọng). Tính chất bài tạp chí so với báo có sự khác biệt về hình thức thể hiện.

Mỗi tờ tạp chí kinh tế ngành đều có sắc thái riêng về phạm vi nội dung và hình thức thể hiện; thậm chí giữa một số tờ tạp chí và báo trong cùng một ngành cũng khác nhau, nếu như mỗi tờ biết xác định đúng tính chất, phạm vi thể hiện nội dung của mình (trừ trường hợp làm trái, chồng chéo nhau…).

Ví dụ, nếu Tạp chí xác định mình sẽ là đơn vị có thế mạnh về tăng trưởng xanh, thì phải làm sao, khi bàn tới lĩnh vực tăng trưởng xanh, người đọc lại nhớ tới cái tên Kinh tế và Dự báo. Như vậy, mới là có thương hiệu, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Cần nhận rõ tính chất, công việc làm Tạp chí chuyên ngành (khác với báo, nhất là hoàn toàn không làm theo kiểu hành chính đơn thuần) để từ đó từng người tự điều chỉnh công việc của bản thân phù hợp với guồng công việc chung của Toà soạn (kể cả nội dung và thời gian công việc, cả việc nghiên cứu, học tập của từng cá nhân…).

Tôi muốn nhắc các cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí rằng, hiện nay, ngọn lửa cải cách, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên của Bộ đã được thắp lên.

Sau “Hội nghị triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2016” (giữa năm 2016) và Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ (đầu năm 2017), tôi và tập thể lãnh đạo Bộ vẫn thường xuyên dõi theo mỗi chuyển biến của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc, trong tư duy, trong sự chủ động, đổi mới và sáng tạo. Chúng ta phải giữ ngọn lửa đó trong từng ngày làm việc, từng đơn vị, mỗi cá nhân, trong từng nhiệm vụ cụ thể.

Tôi cho rằng, bối cảnh càng khó khăn, thì Tạp chí càng cần giữ được bản sắc, tạo thương hiệu mạnh để vượt qua thách thức, cùng với truyền thống 50 năm, tôi tin tưởng, hy vọng và chúc Tạp chí tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không ngừng củng cố đoàn kết nội bộ, nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ giao, đưa Tạp chí ngày càng phát triển hơn nữa.

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng về những chia sẻ chân tình và rất cần thiết trong vận hội mới của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Kính chúc Bộ trưởng sức khỏe và thành công!