Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp

8 điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Chúng ta đã đi qua 5/6 chặng đường của năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 tháng, có thể rút ra 8 điểm nổi bật:

1) Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

2) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).

3) Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

4) Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.

5) Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.

6) Có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng).

7) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%).

8) Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Một điều hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.

Một tin rất đáng mừng khác là mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Trước đó, cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.

Nhận định tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 10 và 10 tháng năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “so với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực”.

“Trong 10 tháng qua, có thể nói tháng 10 là tháng đạt được những kết quả tốt nhất trên các mặt, từ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đến các mặt văn hóa, xã hội, giảm nghèo... Những kết quả này rất tiến bộ và rất đáng mừng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Song, không được chủ quan, thỏa mãn

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, những kết quả đạt được là tích cực, toàn diện, đáng mừng, song không phải vì thế mà chủ quan, thỏa mãn vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt.

Trọng tâm chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm là phải tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống bão lụt, hỗ trợ người dân những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà hiện nay là cơn bão số 12 đang tiến vào khu vực Nam Trung Bộ. Chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng vì khối lượng công việc 2 tháng cuối năm cần làm còn rất lớn. Chuẩn bị tốt các mặt công tác cho Tuần lễ Cấp cao APEC cũng như Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá biến động mạnh vào dịp cuối năm. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với chất lượng tín dụng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện chủ trương chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phải giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác cũng như tăng cường việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Giao các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy đầu tư tư nhân và FDI.

Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các hiệp định FTA; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với các sản phẩm xuất khẩu, trước hết là lương thực, nông sản, rau quả, thủy hải sản Việt Nam. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nạn buôn lậu thuốc lá điếu.

Các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy cầu trong nước, bảo đảm nguồn cung những mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm; không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con”. Đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Quan tâm hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Có giải pháp hữu hiệu, kịp thời về thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, nhất là thịt lợn, gia cầm, tránh tình trạng tồn đọng và lại phải "giải cứu". Kiểm soát tốt dịch bệnh, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế.

Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trên tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm. Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả hành vi cố tình làm chậm hoặc vi phạm pháp luật trong cổ phần hóa.

Thúc đẩy hoạt động các ngành du lịch, dịch vụ; tăng cường kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch nhất là trong mùa cao điểm cuối năm. Tận dụng tốt các cơ hội quảng bá, thu hút khách quốc tế nhất là dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng yêu cầu cần đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, phát triển hệ thống quan trắc chuyên dùng. Bảo đảm bố trí đủ kinh phí di dân vùng có nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, nhất là nguy cơ mất an toàn do lũ quét, sạt lở đất. Hỗ trợ kịp thời người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công. Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; chú trọng bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, xử lý nghiêm các hành vi hành hung nhân viên y tế. Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường; thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu tập trung đông dân cư, làng nghề, nông thôn. Có giải pháp về đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho những người thất nghiệp tìm việc làm mới ở những ngành nghề đang thiếu lao động như du lịch, công nghệ thông tin.

Các ngành, các cấp thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hệ thống tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, biếu xén dịp lễ, tết. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng, nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC. Sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động trong công tác thông tin, truyên truyền, bảo đảm quyền được cung cấp thông tin của người dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền sai sự thật, gây phương hại cho đất nước, cơ quan, tổ chức, công dân./.