Nhiều lợi ích quan trọng

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách thuế và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình ở cấp độ vi mô và tác động đến nghèo đói, bất bình đẳng và thu ngân sách ở cấp độ vĩ mô. Vì vậy, nâng cao năng lực thực hiện các đánh giá định lượng, mô phỏng tác động của các công cụ chính sách thuế và bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giải trình, cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế và bảo hiểm xã hội.

Quang cảnh buổi lễ giới thiệu mô hình mô phỏng tác động vi mô của chính sách thuế và bảo hiểm xã hội cho Việt Nam (VNMOD)

Bổ sung quan điểm, GS. Finn Tarp, Giám đốc của UNU-WIDER nhận định, các mô hình mô phỏng vi mô thuế mang lại những lợi ích vô cùng quan trọng, đóng vai trò như bộ phận cấu thành hệ thống “kế toán” của chính phủ, giúp biết những ai đã trả bao nhiêu thuế và những ai được hưởng lợi, cũng như việc ảnh hưởng của thuế tới ngân sách nhà nước, ước lượng tác động của cải cách thuế, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, có thể dựa vào dữ liệu hệ thống thuế để nhận biết, phân tích khi có sai sót dữ liệu xảy ra. Vì thế cần phải xây dựng những chính sách và mô hình mới về thuế và bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi an sinh xã hội đang gia tăng tại các nước đang phát triển, đồng thời các quốc gia cũng cần tăng doanh thu thuế, thì cần những mô hình, công cụ mới các tác dụng tốt, chuẩn xác hơn trong việc mô phỏng ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách thuế và bảo hiểm xã hội đối với hộ gia đình.

Theo đó, thay vì các mô hình phức tạp trước, chỉ cần mô phỏng vi mô có thể giải đáp được các thắc mắc như: Hệ thống hiện hành và trợ cấp xã hội có ảnh hưởng ra sao đến các cá nhân theo các nhóm khác nhau, như: nhóm thu nhập, nhóm hộ gia đình); Hệ thống thuế đánh vào thu nhập có ảnh hưởng ở mức độ nào đến việc phân phối lại thu nhập, từ đó có giúp giảm bất bình đẳng hay không?; Chi phí của việc thực hiện các cải cách chính sách an sinh xã hội à gì (chẳng hạn như: chính sách hưu trí cho người già, toàn dân; việc thực hiện trợ cấp cho trẻ em; tác động tới đói nghèo, bất bình đẳng; hoặc nguồn tài trợ cho những chính sách này ra sao?...

VNMOD là mô hình hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, mục tiêu xây dụng mô hình vi mô VNMOD để thấy tác động của cùng một chính sách, nhưng đối với các hộ gia đình khác nhau ở các ngưỡng thu nhập khác nhau nó tác động hoàn toàn khác nhau giữa các gia đình. Do đó, để đạt được chính sách đề ra, cần nghiên cứu chính sách, thúc đẩy chính sách, thì yếu tố cần quan tâm là làm sao để giảm thiểu tác động đối với các hộ gia đình ở ngưỡng thu nhập thấp nhất.

Theo đó, mô hình mô phỏng vi mô VNMOD đầu tiên của Việt Nam mang những đặc điểm, như: Điều tra mức sống dân cư; Là công cụ mô phỏng các khoản thuế và các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội (thuế thu nhập của người lao động; thuế thu nhập từ đầu tư vốn; thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội)…

Thời gian tới cần cân nhắc nhiều hơn khi đưa ra những quyết định, chính sách liên quan đến thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng

Ông Dương cho biết thêm một số kết quả mà mô hình chỉ ra, như; tất cả thu nhập khả dụng thực tế theo thập phân vị đều giảm trong giai đoạn 2013-2015 và mức phục hồi trong 2016 không đủ bù đắp cho mức giảm lũy kế giai đoạn này; Về phân phối xác suất thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình thì thu nhập khả dụng giảm dần đối với nhóm hộ nhấp nhất, ngược lại tỷ trọng tăng đáng kế đối với nhóm hộ cao nhất; Thuế thu nhập của người lao động thực giảm trong giai đoạn 2012-2016; các hộ gia đình thu nhập cao hơn có xu hướng chi VAT nhiều hơn; tốc độ tăng trưởng mô phỏng các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội đối với người lao động lớn hơn người sử dụng lao động.

Đánh giá về mô hình này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong nghiên cứu hoạch định chính sách, nếu có những bằng chứng thuyết phục, thì nghiên cứu đó sẽ nhận được sự đánh giá tốt hơn, tạo ra áp lực với các nhà phản biện để tiếp thu, đề xuất ra những chính sách bền vững, lâu dài. Chính vì vậy, mô hình này sẽ là công cụ hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Dương lưu ý thêm, thời gian tới cần cân nhắc nhiều hơn khi đưa ra những quyết định, chính sách liên quan đến thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng. Bởi vì, trên thực tế, theo kết quả nghiên cứu của CIEM, những người có thu nhập nhất có tỷ lệ là những người phải dùng thu nhập nhiều nhất để trả cho VAT.

Vì khi điều chỉnh tăng thuế, thì người lao động sẽ phải tăng tỷ trọng thu nhập dùng để đóng thuế. Nghĩa là phần chi tiêu, phúc lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, những gia đình có thu nhập nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Từ góc độ đó cho thấy, người lao động đang phải chịu tác động hơn rất nhiều. Đó là điều không mong muốn trong bối cảnh nước ra đang thúc đẩy chính sách tăng trưởng phúc lợi toàn diện cho người dân, ông Dương khẳng định.

Điều quan trọng là rất cần những cơ quan chính sách, cơ quan mô phỏng cùng hợp tác để cùng nghiên cứu và đưa ra những chính sách phù hợp. Bởi lẽ, khi tăng thuế thu nhập trong bối cảnh tăng trưởng chưa nhanh như kỳ vọng, thì có lẽ sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyết định tham gia thị trường lao động của người lao động. Do đó, cần bổ sung song song những chính sách cân đối lại để hạn chế mức thấp nhất các tác động của nó, ông Dương nhấn mạnh./.