Toàn cảnh hội thảo

Quá nhiều vấn đề cần phải giải đáp

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam: “Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới.

Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế.

Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. “Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu rõ đây là cơ hội rất tốt để Chính phủ và cá nhân ông lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh hiện nay đối với sự phát triển của Việt Nam.

“Trong điều kiện tự do hoá thương mại có vẻ gặp nhiều trở ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội tốt nhưng cũng gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn nếu “lỡ tàu”; kinh tế thế giới có diễn biến khó đoán định, phục hồi không đồng đều. Trong nước thì thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó lường; dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không có nhiều khi vừa phải giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và vừa phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vậy Chính phủ cần phải làm gì?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ hai, để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện.

“Phải chăng động lực là dựa trên nền tảng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiệm vụ nào là trước mắt, hay nhiệm vụ căn cơ của tái cơ cấu nền kinh tế. Giải quyết mối quan hệ nguồn lực nước ngoài là quan trọng và nội lực trong nước là quyết định như thế nào”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ ba, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cần phân tích, đánh giá thêm về cơ hội, thách thức của Việt Nam hiện nay, động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì, chứ không phải động lực nào cũng thành mũi nhọn cả. Đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam từ góc độ của doanh nghiệp và sắp tới cần thúc đẩy năng lực quốc gia như thế nào?

Thứ tư, bên cạnh việc chọn lọc thu hút đầu tư nước ngoài thì phải kết nối khối này với khối doanh nghiệp trong nước, để cả hai cùng mạnh lên, tránh rủi ro "hai nền kinh tế trong một quốc gia".

Đổi mới chỉ theo logic “thay cũ” là không đủ

Vẫn giữ sự thẳng thắn vốn có, PGS, TS. Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế mạnh mẽ chỉ ra rằng: “Đổi mới chỉ theo logic “thay cũ” là không đủ. Thời đại biến đổi nhanh. Điều kiện, xu hướng, tình thế và công cụ phát triển mới, đòi hỏi những động lực thuộc mới (kết nối số, tự động hóa, kinh tế chia sẻ, tiền kỹ thuật số toàn cầu, thanh toán trực tuyến, fintech…”.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mặc dù thừa nhận sự nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ đã giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, trong khi Chính phủ nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn tìm cách giữ lại điều kiện kinh doanh để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông Cung cho rằng, muốn giải quyết được dứt điểm điều này, phải cải cách về thể chế gắn với nền hành chính công.

"Chúng ta đang có đà để bỏ đi một nửa số điều kiện kinh doanh. Các bộ đã nỗ lực, chúng ta phải thúc đẩy, phải tạo áp lực hành chính trong nội bộ, áp lực từ công luận, từ bên ngoài để các bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh phải làm đúng như cam kết và đúng như Nghị quyết của Chính phủ", TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Cần làm nhiều hơn nữa

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Muốn phát triển nhanh, bền vững, không còn cách nào khác là Việt Nam phải chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta nói nhiều rồi nhưng chưa thay đổi được”.

Còn theo TS Trần Du Lịch, bài toán khó mà Việt Nam đang phải giải là làm sao vừa đạt tăng trưởng cao, vừa đảm bảo chất lượng. Muốn làm được phải cải cách về thể chể gắn với nền hành chính công.

Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn rằng, không cần tìm cái mới mà vấn đề là tiếp tục làm hiệu quả 3 đột phá những cái ta đã đề ra. Nếu thế chế tốt, bộ máy tốt và kết cấu hạ tầng tốt thì sẽ làm tốt. Cần tập trung các vùng kinh tế trọng điểm, gắn với đó phát triển kinh tế đô thị, lấy đó làm động lực phát triển thời gian tới.

Còn TS. Nguyễn Đình Thiên thì khuyến nghị 3 vấn đề cần được Chính phủ xem xét, có giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, và quan trọng nhất là tạo động lực mang tính thị trường cho nền kinh tế.

“Có nghĩa là công khai và minh bạch. Khi phát biểu tại Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói là công khai minh bạch giống như thắp đèn sáng trong phòng, để chuột ngoài không vào được còn chuột trong phòng sẽ phải chạy ra… Nếu phòng tối, muốn đánh chuột cũng rất khó”, ông Thiên lý giải.

Thứ hai, căn cứ vào hội nhập để định hình mục tiêu, chứ không chỉ là căn cứ vấn đề của mình; và phải căn cứ vào cả các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, là thay đổi tư duy về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, thuật ngữ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua, đã tạo điều kiện rất tốt để tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng kéo dài tiếp tục có thể sẽ làm chậm mục tiêu chuyển đổi nguồn lực sang khu vực có hiệu quả hơn.

Vị chuyên gia này cho rằng, nên thay lập trường “cổ phần hóa” sang lập trường “tư nhân hóa” sẽ xác định rõ chức năng và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường và nguyên tắc, cơ chế hoạt động của chúng theo cam kết hội nhập quốc tế.

“Tư duy này sẽ làm rõ yêu cầu áp dụng đầy đủ nguyên tắc thị trường trong cổ phần hóa (thực chất là quá trình bán tài sản), trước hết là đối với tài sản đất đai”, ông Thiên phân tích.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng ,muốn tạo động lực thì phải cải cách thể chế. Chính thể chế là nguồn gốc hạn chế phát huy tiềm năng đẩy đủ của tăng trưởng.

Vị nguyên Viện trưởng của CIEM cũng chỉ rõ, điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững là Việt Nam chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang công nghệ.

“Đồng thời, phải có chỉ số sẵn sàng đổi mới công nghệ, chỉ số bằng phát minh và sáng chế được công nhận… Những điều này phải tham khảo và đưa vào chỉ tiêu xem tăng trưởng bao nhiêu, vận dụng khoa học công nghệ là bao nhiêu”. TS. Lê Đăng Doanh đề xuất./.