Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) và đại biểu Lê Công Nhường ở Bình Định về chính sách và giải pháp để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thống đốc cho biết, đây là một trong những nội dung Chính phủ đã chỉ đạo rất sâu sát và quyết liệt từ năm 2016.

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao thực hiện 2 đề án là Đề án nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực về vàng và Đề án nghiên cứu các giải pháp về nguồn lực ngoại tệ.

“Qua quá trình thực tiễn điều hành nhiều năm vừa qua, thì chúng tôi cho rằng ,giải pháp căn cơ nhất và bền vững nhất, có khả thi nhất, mà chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ vào cuối năm nay, là Chính phủ và các bộ, ngành phải kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lập được lòng tin của người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở đó người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư vào tài sản tài chính, như: vàng, ngoại tệ mà sẽ chuyển đổi sang đồng Việt Nam để có thể gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh”, Thống đốc lý giải.

Việc này cần phải có thời điểm và lộ trình để có những giải pháp để chuyển hóa những nguồn lực.

Thống đốc cũng cho rằng, trong nhiều năm vừa qua, đối với vấn đề vàng, thì đã rất thành công.

Nhiều năm trước đây, nền kinh tế đã phải tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng và để thị trường vàng có những diễn biến gây tác động đến bất ổn vĩ mô, lạm phát và bất ổn khác trong nền kinh tế.

“Còn những năm vừa qua, thị trường vàng đã rất ổn định và không phải mất ngoại tệ để nhập khẩu vàng để phục vụ cho các nhu cầu mua bán vàng miếng trong nước và thị trường hiện nay đang tự điều tiết. Như vậy, trên thực tế chúng ta đã chuyển hóa được một phần nguồn lực rất lớn từ vàng sang nền kinh tế”, Thống đốc phát biểu.

Cùng với vàng, ngoại tệ cũng là một nguồn lực rất lớn và rất quan trọng. “Vừa qua, chúng ta đã có các giải pháp để chuyển hóa được nguồn lực ngoại tệ”, Thống đốc cho biết.

Mặc dù áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nhưng nguồn lực ngoại tệ không có nghĩa là chúng ta không huy động nguồn lực đó, mà nguồn lực đó đã được chuyển hóa qua đồng Việt Nam để đầu tư vào kinh doanh.

Thực tế đã chứng minh trong mấy năm vừa qua, mặc dù những chính sách như vậy, nhưng thị trường ngoại hối rất ổn định, tỷ giá ổn định và chúng ta đã mua được một lượng rất lớn ngoại tệ từ người dân để bán cho các tổ chức tín dụng và bán cho Ngân hàng nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta và Chính phủ kiên định những đường lối và giải pháp như vậy thì chúng ta tiếp tục chuyển hóa được nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”, Thống đốc khẳng định.

Vấn đề liên quan đến cam kết bảo hiểm tiền gửi, Thống đốc khẳng định lại với đại biểu là quan điểm của Đảng và của Nhà nước, của Quốc hội và Chính phủ, là trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng, thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo là an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, cùng giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

“Bất cứ khi nào chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Chính phủ đã đề xuất nội dung rất cụ thể”, Thống đốc nhấn mạnh./.