Đó là những yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại thông báo kết luận của tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thông báo kết luận nêu rõ, quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 (Quyết định 21).

Sau 6 năm triển khai, vị trí, vai trò của ngành hàng không được củng cố và phát triển; thị trường hàng không được duy trì tốc độ phát triển cao, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả; tính cạnh tranh được nâng cao có lợi cho người tiêu dùng; kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ trong tổng thể phát triển chung kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, đầu tư, du lịch và quốc phòng - an ninh của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 21, cụ thể: quy mô thị trường còn nhỏ, đứng thứ 5 trong ASEAN, chưa thu hút được nhiều hãng hàng không lớn mở các đường bay thẳng liên lục địa đến Việt Nam; điều chỉnh quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng không chưa kịp thời; kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay lớn ở tình trạng quá tải, trong khi đó, một số cảng hàng không, sân bay địa phương chưa khai thác hiệu quả; chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không còn nhiều bất cập...

Về mục tiêu phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng ngành Hàng không dân dụng trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; là lực lượng dự bị của quốc phòng, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, cảnh giới vùng trời quốc gia; một trong những ngành đi đầu trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là miền núi, hải đảo; bảo đảm an toàn hàng không, không để xảy ra tai nạn hàng không.

Bảo đảm vững chắc an ninh hàng không, bộ phận quan trọng của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia; phát triển hàng không dân dụng đồng thời với tăng cường bảo vệ môi trường; phát triển nhanh thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN; phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không Việt Nam. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành một trong những trung tâm hàng không quốc tế lớn của khu vực.

Bên cạnh đó, phải phát triển hệ thống quản lý bay theo Kế hoạch Không vận mới của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động có chất lượng, công nghệ và năng lực ngang với khu vực và trên thế giới; năng lực của toàn hệ thống luôn luôn cao hơn từ 1,3 lần so với mật độ hoạt động bay được phép vào giờ cao điểm; phát triển các doanh nghiệp hàng không có đủ năng lực cạnh tranh cả về quy mô và chất lượng dịch vụ; phát triển đội tàu bay hiện đại và nâng cao tỷ trọng đội tàu bay sở hữu; tập trung phát triển hệ thống bảo dưỡng tàu bay, thiết bị hàng không làm nòng cốt cho việc phát triển công nghiệp hàng không Việt Nam; tiến đến tự thiết kế, chế tạo các trang thiết bị chuyên ngành; phát triển nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo ngành Hàng không đảm bảo tính cân đối, toàn diện và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, đặc biệt là nhân viên hàng không trình độ cao như phi công, thợ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu; hoàn thiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không theo Quyết định 21 là cần thiết, tạo khung pháp lý để tiếp tục phát triển GTVT hàng không trong thời gian tới bảo đảm bền vững, an toàn.

Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan và thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương tiếp tục đề nghị điều chỉnh vai trò, quy mô của một số cảng hàng không, sây bay. Việc này làm hạn chế tính đồng bộ trong việc xem xét tổng thể quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.

Để đảm bảo tính khách quan, khoa học và đồng thuận cao trước khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lựa chọn một đơn vị tư vấn có uy tín và mời các chuyên gia giỏi trong ngành hàng không để phản biện hồ sơ quy hoạch; trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2017./.