Tiềm ẩn những lo ngại phía sau…

Có thể nói, chỉ số CPI nước ta đang ở mức thấp một cách bất thường và điều này ẩn chứa nhiều lo ngại.

Cho tới thời điểm này, với mức tăng chỉ mới ở mức hơn 5%, gần như chắc chắn năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp lạm phát sẽ ở dưới mức 7%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp đạt kết quả tốt hơn cả mong đợi so với mục tiêu trước đó, thậm chí, nếu chỉ hơn 6% thì đây sẽ là năm có mức lạm phát thấp nhất trong 6-7 năm gần đây.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế về giá cả, ông Ngô Trí Long với báo chí gần đây, với kết quả dự đoán như trên, năm 2013 sẽ là năm đầu tiên, CPI không lặp lại chu kỳ "2 năm tăng cao, 1 năm tăng thấp" đã diễn ra trong 9 năm trước đó.

Tuy nhiên, ông Long khuyến cáo, chúng ta không nên quá chủ quan vì mức lạm phát thấp. Bởi việc kiềm chế lạm phát hiện nay chưa thật bền vững, về nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, chưa được cải thiện nhiều.

Hơn nữa, nhìn từ kết quả của giá tiêu dùng không tăng cao, ông Long cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của điều hành và có nguyên nhân của nội tại nền kinh tế, mà trong đó cầu trong nước yếu sẽ giữ cho giá cả tiêu dùng không tăng trong trung hạn.

“Chỉ số CPI xuống là mừng nhưng nghĩ kỹ, đây cũng là điều đáng ngại khi có bao nhiêu doanh nghiệp tồn kho, bán đổ bán tháo không ai mua. Vậy CPI xuống do giá xuống hay hàng bán không được? CPI tăng thấp cũng là biểu hiện sức mua cạn kiệt”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Minh chứng cho vấn đề này, ví dụ như trong ngành thép, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây đã cho biết, kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến sức tiêu thụ thép giảm mạnh, cung vượt cầu. Doanh nghiệp cần vốn đề tồn tại, nhưng ngân hàng cũng không dám "bơm" tiền vì doanh nghiệp giải quyết được khó khăn thì không sao, mà tiếp tục kinh doanh trì trệ thì nợ xấu lại gia tăng.

Hay trong cuộc họp giao ban về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, mặc dù có một số số yếu tố khách quan góp phần kìm hãm giá cả tăng như nguồn cung hàng hóa cơ bản được đảm bảo, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm các đợt 11/11 và 7/10, song yếu tố cơ bản vẫn là người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập eo hẹp và mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.

Cần có những chính sách phù hợp cho nền kinh tế

Như vậy, với những biểu hiện của chỉ số CPI hiện nay, mối lo lạm phát có thể coi là tạm ổn phần nào. Song, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khó khăn, sức mua trên thị trường vẫn trì trệ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tuy các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ là tiến bộ, đột phá. Song các doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn, là bởi chính sách tốt nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thụ hưởng được là bao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nội đang “lép vế” trước các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà. Hơn nữa, doanh nghiệp lại chồng thêm khó khăn ở thị trường nước ngoài do bị áp thuế chống trợ cấp, bán phá giá...

Có thể nói, khó khăn hiện nay là cái vòng luẩn quẩn của chính sách, giống như việc không thể một mặt nói cần kiềm chế lạm phát, mặt khác lại cho điều chỉnh giá hàng loạt các mặt hàng theo giá thị trường, để cho các doanh nghiệp độc quyền lãi lớn, đó là chưa tính đến các tác động bất lợi cho nền kinh tế, đời sống người dân...

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điều quan trọng nhất hiện nay là phải cải thiện được kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ổn định, giữ lạm phát thấp để cho sản xuất hàng hóa tốt lên, doanh nghiệp tốt lên. “Nếu cải thiện được thì Nhà nước sẽ cải thiện được nguồn thu, doanh nghiệp có lợi nhuận và người dân có việc làm, thu nhập”, ông Long nói.

Với đề xuất của ông Long, trong giai đoạn hiện nay, phải có tư duy và chính sách mới, đó là phải chuyển từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung.

Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), việc kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước nhưng trước những dấu hiệu bất thường của nền kinh tế thì cần bắt mạch, kê toa thuốc hợp lý vừa trị bệnh dứt, vừa phục hồi thể lực mới là quan trọng.

Và muốn giải quyết được vấn đề sức mua của thị trường trong nước giảm và việc tác động đến lạm phát, cần phải lưu ý ở 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, trong điều kiện dân cư khu vực nông thôn vẫn còn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, do biến động của giá hàng nông sản, nông dân bị thiệt kép rất lớn, cho nên thu nhập giảm mạnh, dẫn đến sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh.

Thứ hai, so với những năm trước đây, xuất khẩu từ năm 2012 đến nay đã vượt xa mong đợi, cải thiện một cách cơ bản cán cân thương mại, Việt Nam đã xuất siêu nhiều hơn. Từ đó góp phần làm cho tiền đồng không bị mất giá, hỗ trợ rất đắc lực cho việc kiềm chế lạm phát./.