Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, với hàng nghìn giấy phép con đang bủa vây, việc khởi nghiệp đã khó khăn, thì việc duy trì phát triển cho DN sau khởi nghiệp lại càng khó khăn hơn nữa.

Những kết quả đạt được trong năm 2016

Ngay ở những phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được thành lập hồi tháng 05/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp và mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp. Từ thời điểm đó, trong năm 2016, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các DN đổi mới, sáng tạo và thành công. Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện dần để DN khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng và có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất. Tiêu biểu là việc bãi bỏ Điều 292 khỏi dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015. Do, điều luật này gây khó khăn cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số.

Năm 2016, một trong những điểm ấn tượng nhất với cộng đồng khởi nghiệp còn là Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ có khoảng 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ phát triển; Thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế - Techfest Vietnam 2016, cũng đã lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp phát huy sức sáng tạo, tìm được nhà đầu tư và khởi nghiệp thành công.

Có thể nói, năm 2016, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp phát triển. Nếu như năm 2015, các nhà đầu tư còn âm thầm và lặng lẽ, thì sang năm 2016 họ bước vào cuộc chơi với tâm thế chủ động. Những hồ sơ của các dự án khởi nghiệp Việt Nam cũng được cải thiện tốt dần lên xét trong tương quan so sánh với khởi nghiệp của các nước trong khu vực. Do đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng để các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tìm đến.

Năm qua, chúng ta chứng kiến sự nở rộ về số lượng DN khởi nghiệp, sự đa dạng về lĩnh vực cũng như số nhà đầu tư tham gia thị trường. Các mô hình thành công trong năm 2016 như "Up Co-working space", "DesignBold", "Ticketbox", "Monkey Junior", "Gotit, Money love"… khiến cho thị trường khởi nghiệp trở nên sôi động và hấp dẫn, thu hút những người chơi có trí tuệ và rất sáng tạo. Hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp và có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cả nước có khoảng 21 vườn ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh cho khởi nghiệp.

Năm 2016, các quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp cũng được hình thành, như: Quỹ 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ đã công bố sẽ lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để rót vốn vào khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp Việt Nam, giá trị mỗi lần rót vốn sẽ vào khoảng 100.000-250.000 USD; Hay như Quỹ 100 tỷ đồng đầu tư cho startup nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn) đã ra đời và hiện nay đã có startup nông nghiệp đầu tiên được đầu tư là Hellomum...

Song, vẫn còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về khởi nghiệp của năm 2016, thì đâu đó vẫn còn những lo lắng về “sức bền” của các DN này. Bởi, theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2016, cả nước có 12.373 DN giải thể, tăng 30,7%; 19.995 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2015. 02 tháng đầu năm 2017, cả nước có 2.524 DN giải thể, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 92,2% trên tổng số DN giải thể. Một thống kê khác của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, hàng năm có tới hơn 1.000 DN khởi nghiệp ra đời, nhưng DN sống sót sau khởi nghiệp chỉ khoảng 10% (Đặng Đức Thành, 2017).

Điều đó cho thấy, phong trào khởi nghiệp để có thể duy trì và bền vững lại không hề đơn giản, nhất là khi, trong nội tại môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đang có nhiều vấn đề, có thể chỉ ra như sau:

Hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thực sự “trong sạch”

TS. Lương Minh Huân, Viện Nghiên cứu phát triển DN thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi khảo sát về ý định khởi nghiệp kinh doanh ở trong nước, thì năm 2013 có đến 57% người trưởng thành lo sợ thất bại; năm 2015 vẫn còn đến 46% người trưởng thành lo ngại điều này. Chỉ có dưới 25% số người trong độ tuổi trưởng thành có ý định khởi sự kinh doanh. Ở Việt Nam, các DN khởi nghiệp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (75%-80%), trong khi chỉ có 3% khởi sự lĩnh vực phục vụ DN, khai thác (8%), chế biến (14%). Nghiên cứu cũng cho thấy Việt Nam chỉ xếp thứ 51/60 nền kinh tế có khởi nghiệp trong kinh doanh (Lê Anh, 2017).

Báo cáo về chỉ số khởi nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015-2016 của VCCI cũng chỉ ra nhiều yếu kém trong cạnh tranh của DN Việt đối với các điều kiện kinh doanh như sự năng động của thị trường nội địa; văn hóa và chuẩn mực xã hội; chính sách Chính phủ; chuyển giao công nghệ… Với thang điểm 10 thì các điều kiện kinh doanh nêu trên của DN Việt chỉ được chấm từ 1 đến 4 điểm, xếp ở vị trí áp chót của bảng xếp hạng các quốc gia được khảo sát.

Giấy phép “con” vẫn đang bủa vây DN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/08/2017, hiện nay có 8 nhóm yêu cầu, điều kiện kinh doanh, gồm: (1) Phải được tổ chức dưới hình thức pháp lý nhất định; (2) Yêu cầu về nhân lực, lao động; (3) Yêu cầu về năng lực sản xuất; (4) Yêu cầu về cách thức bố trí tổ chức sản xuất, nhà xưởng; (5) Yêu cầu về năng lực tài chính tối thiểu; (6) Yêu cầu phù hợp với quy hoạch; (7) Phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức; (8) Phải được chấp thuận của cơ quan nhà nước để được kinh doanh.

Các điều kiện điều kiện kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định. Hiện có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định, 3 hiệp định.

Theo Bộ KH&ĐT, các quy định hiện hành đã ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn về: tiêu chí đánh giá sự cần thiết và hợp lý khi ban hành điều kiện; công bố các ngành nghề có điều kiện và điều kiện của từng ngành nghề; quy định chặt chẽ về thẩm quyền ban hành điều kiện; trách nhiệm của các bộ, cơ quan rà soát, đánh giá tác động và lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT khi ban hành các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành còn nhiều bất cập như: các điều kiện tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới; tạo nhiều rủi ro lớn cho DN trong quá trình hoạt động; giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN; giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế; nhiều điều kiện không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi công vụ.

Vì thế, cơ quan này đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở DN lâu nay. Trong số này, Bộ KH&ĐT đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.

Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, Bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần. Bộ này đề xuất, việc xây dựng các điều kiện kinh doanh phải trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Hỗ trợ cho DN khởi nghiệp vẫn chưa thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế

Bản thân tôi rất thích Start-up, nhưng phải là những Start-up thực sự, chứ nếu như cách hiểu thông thường hiện nay, thì nguồn lực của xã hội sẽ không đủ để đầu tư hay hỗ trợ. Và như thế dễ khiến những DN khởi nghiệp thực sự mất đi cơ hội được đầu tư thích đáng.

Cũng bởi chưa có quy định cụ thể thế nào là DN khởi nghiệp, nên các ngân hàng có vốn muốn hỗ trợ cũng khó. Cụ thể như tại BIDV Thái Nguyên, mặc dù là ngân hàng có số dư nợ cho vay DN lớn nhất tỉnh (với 6.650/8.100 tỷ đồng tổng dư nợ) và mới đây, BIDV đã triển khai gói cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có DN khởi nghiệp, song hết tháng 07/2017, cũng mới có 4 DNKN được hưởng một phần ưu đãi trong việc định giá tài sản đảm bảo và được hạ lãi suất cho vay. Tuy vậy, mức ưu đãi đối với các DN này là không đáng kể.

Bên cạnh đó, các DN khởi nghiệp Việt Nam cũng đang gặp nhiều rào cản để tiếp cận vốn. Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), nhưng DN khởi nghiệp khó đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ SHTT (trong khi tài sản SHTT là tài sản lớn nhất của DN khởi nghiệp sáng tạo). Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản SHTT gây cản trở cho DN khởi nghiệp và nhà đầu tư.

Do quy trình xét duyệt và kiểm soát tài chính phức tạp, để nhận được tài trợ từ các quỹ, chương trình, dự án hỗ trợ có nguồn gốc ngân sách DN phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, kéo dài thời gian. Vì thế, vai trò của các quỹ tới phong trào khởi nghiệp thời gian qua chưa được như mong muốn. Điển hình như ở Thái Nguyên, mặc dù Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã thành lập được gần 2 năm, nhưng đến nay, mới có 1 DN với 2 lần được bảo lãnh, trong khi số DN có nhu cầu bảo lãnh để được vay vốn ngân hàng khá nhiều.

Để DN khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững

Về phía Nhà nước:

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 trong thời gian tới. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Đặc biệt, cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn để Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần làm rõ các tiêu chí của DN khởi nghiệp, cùng với đó là các hỗ trợ cụ thể đi kèm.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, giảm gánh nặng về mặt tài chính, miễn thuế trong giai đoạn khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ: hướng dẫn các thủ tục đăng ký kinh doanh, thông tin thị trường, hướng dẫn kinh doanh, cung cấp phần mềm kế toán, tham gia thương mại điện tử… Ở các địa phương, có thể xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp....

Về phía cộng đồng khởi nghiệp:

Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, thì để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vũng, các DN khởi nghiệp cũng cần:

Một là, xác định mục tiêu kinh doanh rõ ràng. Khởi nghiệp là khát vọng cho những ai muốn trở thành doanh nhân, nhưng phải xác định rõ mong muốn gì từ việc đứng ra kinh doanh. Vì sao bạn muốn thành lập DN, chỉ khi nào làm rõ mục đích của mình, bạn mới có thể thiết kế, xây dựng nên một DN phù hợp.

Bên cạnh đó, phải có cách nghĩ khác với số đông để tạo ra một phương thức mới hơn những cái người khác đang làm và học cách tư duy hành động như một ông chủ thực sự. Bởi, hầu hết những DN thành công đều là những DN xác định đúng mục đích kinh doanh, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và tạo ra giá trị mới cho họ.

Hai là, cần lưu ý chữ "Thời" trong khởi nghiệp và xây dựng DN thành công phát triển bền vững

(i) Thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng trên toàn thế giới

Đến này Việt Nam đã gia nhập thị trường chung ASEAN và cũng đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước: EU, Hàn Quốc, Nhật... mở ra cho DN cơ hội phát triển thị trường; phát triển kinh doanh chưa từng có từ trước đến nay, nhưng đồng thời cũng đẩy DN vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên thị trường trong nước và quốc tế. Tiếp theo đó là sự đổi mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra nhanh chóng làm thay đổi nhu cầu của con người; thay đổi nhu cầu của thị trường tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh trong xã hội.

(ii) DN phải nhận biết rõ nhu cầu của thị trường hiện tại và nhu cầu thị trường tương lai ít nhất của hàng chục năm tiếp theo

Tổng kết từ nhiều năm kinh doanh của tôi cho thấy, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp và phát triển thành công một DN là sản xuất hàng hóa, dịch vụ DN phải bán được hàng; nói gọn lại sản xuất ra phải đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để có thể không lạc hậu, để giảm bớt cạnh tranh (giảm bớt áp lực bán hàng); để không kinh doanh ngành "hết thời" cần nhận biết nhu cầu sắp tới của xã hội.

Nhu cầu "ăn ngon", "ăn sạch" thay vì đang hàng ngày nhiều trường hợp sử dụng thực phẩm bẩn; thay vào đó nhu cầu cấp bách sử dụng thực phẩm hữu cơ (organic); sử dụng thực phẩm sản xuất theo kiểu biodynamic...

Nhu cầu ngày càng cao những sản phẩm phục vụ cho sức khỏe con người sống 120 tuổi là bình thường, sống mạnh khỏe, yêu đời... và một trong những ngành đáp ứng tốt là kinh doanh ngành thảo dược xanh... Đơn cử: ngành chăn nuôi heo vừa qua phải "giải cứu" liên tục, rất nhiều người kinh doanh ngành này hết sức khó khăn. Đơn giản là không nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Thị trường cần hàng trăm tấn/ ngày, nhưng nguồn cung đến hàng ngàn tấn/ ngày...

Xu hướng dùng thực phẩm sử dụng phân bón hữu cơ, kể cả giảm và không dùng thuốc trừ sâu... dẫn đến hiện tượng trong ngành kinh doanh phân bón hiện nay, nhiều trường hợp đơn vị kia lỗ nhiều; đơn vị này lỗ ít; hiếm có đơn vị có lãi...

(iii) "Thời" của liên kết, hợp tác tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu

Nhiều trường hợp, khởi nghiệp và xây dựng thành công một DN phát triển bền vững chỉ làm một việc, trở thành một DN cung ứng trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Đơn cử: DN sản xuất một phần linh kiện điện tử phục vụ nhà máy sản xuất máy điện thoại di động Samsung, Apple... Thời kỳ của hợp tác toàn cầu, nhà máy ở Việt Nam, nhưng sản xuất sản phẩm (từng mặt hàng), linh kiện, phụ tùng... tại Nhật Bản, Thái Lan... Điển hình là Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Dược Xanh ở Việt Nam, nhưng hợp tác gia công sản phẩm Fucodan, Collagen tại Nhật.

(iv) “Thời" của DN thông thạo ngoại ngữ và văn hóa kinh doanh quốc tế

Để dễ dàng hợp tác kinh doanh quốc tế, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, DN tăng doanh số, tăng lợi nhuận.

Không chỉ cần vài người trong công ty thông thạo ngoại ngữ, mà càng có nhiều người thông thạo ngoại ngữ càng tốt. Tác động đến cả chất lượng giao dịch, trong sử dụng công cụ internet, máy tính...

(v) "Thời" của các DN xây dựng thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp, gắn với internet, facebook, công nghệ số

Trong thời kỳ hội nhập, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn giữa DN trong nước và quốc tế; cùng một ngành nghề có rất nhiều người, nhiều DN tham gia nhất là đối với những ngành kinh doanh có nhiều lợi nhuận. Chính vì thế, thương hiệu chính là "tài sản" của đơn vị, thương hiệu càng nổi tiếng "tốt" doanh thu và lợi nhuận của công ty càng cao. Chúng ta không thể bán được hàng tăng doanh số, tăng lợi nhuận nếu sản phẩm, dịch vụ của DN chúng ta không có thương hiệu; không chuyên nghiệp, không đẳng cấp.

(vi) "Thời" của nền kinh tế tri thức và sáng tạo

Đẳng cấp DN, đẳng cấp doanh nhân ngày nay không chỉ biểu hiện rõ nhất ở năng lực và tầm trí tuệ trong quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh, mà còn ở năng lực nghiên cứu, khai thác, vận dụng những kết quả, thành tựu tri thức khoa học, tri thức của nhân loại vào quy trình sản xuất các sản phẩm, có hàm lượng tri thức cao, có giá trị nâng cao chất lượng sống con người; vào việc DN biết trân trọng và sử dụng nguồn lực lao động có chuyên môn, tay nghề giỏi, huy động được vai trò phản biện, tư vấn của các trí thức chuyên gia trong điều hành quản lý hoạt động của DN.

Chú trọng gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm; vận dụng tri thức mới để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên liệu và lao động, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

DN Việt Nam đa phần mới thành lập từ năm 2007 đến nay, nhiều DN còn quá mới và quá nhỏ, chưa từng qua kinh nghiệm, còn yếu nhiều mặt, do đó cần nhất là kinh doanh trí tuệ, sáng tạo; đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số... Chỉ như vậy, mới có cơ hội thành công nhanh, phát triển bền vững./.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh năm 2016

2. Đặng Đức Thành (2017). Để phong trào khởi nghiệp thành công, phát triển DN bền vững, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02+03/2017

3. Kim Hiền (2017). Nâng tầm phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, truy cập từ http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-7535-nang-tam-phong-trao-khoi-nghiep-cua-viet-nam.html

4. Phan Thị Thùy Trâm (2017). Khởi nghiệp tiếp sau sự nở rộ của con số, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/31777102-khoi-nghiep-tiep-sau-su-no-ro-cua-con-so.html

5. Thu Hằng (2017). Hỗ trợ DN khởi nghiệp: Những khó khăn nhìn từ góc độ ngân hàng, truy cập từ http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-nhung-kho-khan-nhin-tu-goc-do-ngan-hang-247964-108.html

6. Lê Anh (2017). Gian nan DN khởi nghiệp, truy cập từ http://daidoanket.vn/tin-tuc/kinh-te/gian-nan-doanh-nghiep-khoi-nghiep-372806

CEO. Đặng Đức Thành

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC)

Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)