Chiều nay (12/12), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội nghị Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam có nhiều biến động trong 5 năm gần đây, trong đó đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giảm, thay vào đó lĩnh vực phi sản xuất ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp.

Trưởng đại diện JETRO nhận định, người dân vùng nông thôn Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn, do vậy việc nâng cao mức sống cho người nông dân qua việc nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản, mà cụ thể là công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng.

Bởi lẽ đó, hội nghị diễn ra nhằm tìm hiểu khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nakajima Yoshito, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Nhật Bản là nước có kinh nghiệm và tham gia vào mọi khâu trong chuỗi giá trị sản xuất. Hội nghị này sẽ khởi xướng cho sự phát triển cao hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Đánh giá thị trường Việt Nam, theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, thời gian qua ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sau 10 năm gia nhập WTO, đặc biệt trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng cao và đóng góp cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nghẽn khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam chưa cất cánh: thị trường nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu về chất và lượng; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa thật sự mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có; tính kết nối, hợp lực của doanh nghiệp, cũng như sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước với thị trường thực phẩm thế giới chưa đáp ứng; hoạt động nghiên cứu và phát triển ngành chế biến thực phẩm còn hạn chế.

Ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện nay ngành chế biến thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, nhờ có dân số cao, GDP tăng trưởng khá, nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn và đa dạng… Mặc dù vậy, ngành chế biến thực phẩm nước nhà cũng đối mặt với những thách thức từ việc cạnh tranh ngày càng gay gắt với đối thủ nước ngoài; nguyên liệu trong nước còn thiếu và không ổn định, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu…

Trong bối cảnh đó, ông Saka Hrumi, đại diện Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản kiến nghị, để liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản cần có những buổi đối thoại hợp tác.

Hiện Việt Nam và Nhật Bản đã 3 lần tổ chức đối thoại kể từ năm 2014 đến nay. Các buổi đối thoại này nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Dự định hàng năm sẽ tổ chức đối thoại hợp tác nông nghiệp là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản.

Ông cũng gợi ý, từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản, chính quyền cần hỗ trợ chính sách cũng như vốn và kỹ thuật cho doanh nghiệp để thiết lập hệ thống xử lý nước thải nhằm phòng chống ô nhiễm đất.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề lưu thông hàng hóa, tham gia chuỗi phân phối, cập nhật và phân tích các số liệu thị trường…/.