Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/7/2014, cả nước đã có 889 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,85 tỷ USD, bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2013. Cùng với đó là 300 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,67 tỷ USD, bằng 53,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, tính cả cấp mới và tăng thêm, trong 7 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ 2013.

Ngay trong những ngày đầu tháng 7, Samsung đã được Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 1 tỷ USD. Đây là dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2014. Việc thiếu các dự án tỷ USD là nguyên nhân khiến thu hút FDI trong 7 tháng giảm so với cùng kỳ.

Mặc dù vốn đăng ký giảm, nhưng vốn giải ngân lại tăng. Cụ thể, các dự án FDI đã giải ngân được 6,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tính bình quân, mỗi tháng các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân gần 1 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chiếm ưu thế thu hút FDI với 448 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,66 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng năm 2014. Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9%. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 69 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 547,58 triệu USD, chiếm 5,7%.

Với dự án 1 tỷ USD của Samsung, Hàn Quốc vươn lên là nhà đầu tư dẫn đầu trong 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,13 tỷ USD, chiếm 32,8%. Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,15 tỷ USD, chiếm 12,1 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,11 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư.

Cũng nhờ dự án của Samsung, Bắc Ninh trở thành địa phương thu hút được FDI nhiều nhất cả nước với 1,33 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,07 tỷ USD, chiếm 11,2%. Bình Dương đứng thứ 3 với 1,05 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 11%.

Khu vực FDI vẫn đang đóng góp quan trọng vào kim ngạch thương mại của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt 55,83 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô, xuất khẩu của khu vực này trong 7 tháng đầu năm đạt 51,22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2013. Tương tự như xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực FDI cũng tiếp tục tăng ấn tượng khi đạt 46,04 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, khu vực FDI đã xuất siêu 9,78 tỷ USD./.