Được thành lập vào tháng 9/1997, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 5 địa phương là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Sau 6 năm hình thành, đến năm 2003, Vùng được mở rộng thêm với 3 địa phương mới là Hà Tây cũ, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.

Đây là trung tâm đầu não về kinh tế, chính trị, khoa học của cả nước, giữ vị trí vai trò quan trọng của cả nước. Vùng hạt nhân trong phát triển của Đồng bằng sông Hồng, là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước. Có tiềm năng lớn về du lịch với hệ thống các trung tâm y tế chuyên sâu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

"Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những yếu tố khách quan, bản thân nội bộ Vùng đã bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể: phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và lao động có chất lượng thấp trong một thời khá dài, trình độ phát triển còn thấp. Vì vậy, cần thiết phải có một Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho toàn Vùng đến năm 2020", ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, để ban hành được bản Quy hoạch như hiện nay, ban soạn thảo đã đưa ra 3 kịch bản phát triển.

Theo đó: Kịch bản 1 là kịch bản lạc quan với bối cảnh quốc tế phát triển đa cực, kinh tế thế giới hồi phục nhanh chóng; cải cách trong nước, đặc biệt là Vùng mạnh mẽ, quyết liệt.

Kịch bản 2 là kịch bản vừa phải, mang tính linh hoạt đặt trong hai bối cảnh quốc tế, hoặc trong nước gặp những yếu tố bất lợi.

Kịch bản 3 là kịch bản xấu, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đều không thuận lợi, đặc biệt là sự thất bại của Việt Nam khi thực thi đầy đủ các cam kết của WTO, cũng như FTA với Trung Quốc và ASEAN, cộng thêm các yếu tố căng thẳng về tranh chấp nguồn lực, biên giới.

Tính toán kỹ cho thấy, xác suất của kịch bản 2 là lớn nhất, hơn nữa lại rất linh hoạt, phù hợp nhất với bối cảnh thay đổi của nền kinh tế thế giới và trong nước, nên Ban soạn thảo đã lựa chọn kịch bản này.

Theo cách này, mục tiêu tăng trưởng GPD bình quân toàn Vùng thời kỳ 2011-2015 đạt 7,5% và thời kỳ 2016-2020 đạt 9%; GDP bình quân (theo giá hiện hành) đến năm 2015 đạt 3.200- 3.500 USD, đến năm 2020 đạt 5.500 USD.

Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 đạt 8,7% (gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 10.500-12.000 USD vào năm 2030.

Giai đoạn 10 năm 2020-2030, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ hiện đại và hệ thống đường cao tốc, tuyến đường sắt cao tốc, cảng hàng không hiện đại tại Vân Đồn, hoặc Tiên Lãng khi cảng Nội Bài mãn tải. Tổng số vốn được huy động và sử dụng dự kiến vào khoảng 5.900-6.000 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 27-28% GDP của cả vùng; trong đó số ngân sách nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 45%-50%.

Thứ trưởng cũng thừa nhận, việc tính toán mặc dù đã dựa trên sự biến động, nhưng những sự việc bất thường như căng thẳng biển Đông... diễn ra gần đây vẫn chưa được nhóm soạn thảo lường trước. Nhất là, năm 2015 đã rất gần, nên khả năng đạt mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 7,5% cũng không dễ thực hiện.

Vì thế, "Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch, hỗ trợ cho các địa phương phát triển bình đẳng. Tập trung rà soát, ưu tiên lựa chọn những chương trình dự án trọng điểm để thực hiện. các viện nghiên cứu, nhà khoa học tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện quy hoạch tốt nhất, bởi năm 2015 đã cận kề", Thứ trưởng kết luận./.