VBF là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, được tổ chức thường niên nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam hỗ trợ nhà đầu tư một cách có trách nhiệm

Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả trước sự việc đáng tiếc vừa qua, do một số kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân, khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại.

Thủ tướng cho biết: "Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam gây phẫn nộ trong cả dân tộc. Một số nơi, người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc. Lợi dụng việc biểu tình yêu nước của người dân, một số người manh động đã cướp giật và phá hoại tài sản của doanh nghiệp. Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn. Việt Nam cũng đã chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường".

Thủ tướng cho biết, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp Đài Loan mới đây, thì chỉ còn lại khoảng hơn 20 doanh nghiệp chưa trở lại sản xuất. Chính phủ đã quyết định cùng với chính quyền các địa phương bàn bạc cụ thể đối với từng doanh nghiệp bị thiệt hại để có phương án sớm phục hồi sản xuất. đưa ra một phương án có lý có tình, phù hợp được cả được 2 bên đồng tình. Việt Nam đang làm việc này một cách có trách nhiệm và đã nhận được sự chia sẻ, phối hợp của các doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam.

Năm 2014 sẽ tăng trưởng 5,8%

Thông báo khái quát tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm cũng như dự kiến cả năm 2014 đã và sẽ tiếp tục ổn định, phát triển vững chắc hơn. Lạm phát năm 2014 sẽ kiểm soát chỉ ở mức khoảng 5%. Tăng trưởng GDP qua thực hiện 5 tháng đầu năm 2014, dự kiến có khả năng tăng trưởng 5,8% trong cả năm. Thủ tướng thông tin thêm, Chính phủ cũng đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng 6% trong năm 2015.

Xuất khẩu bình quân 3 năm (2011-2013) tăng trưởng trên 20%; 5 tháng đầu năm 2014 tăng gần 16%; cả năm 2014 dự kiến tăng 15-16%. Tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, đảm bảo trên 12 tuần nhập khẩu từ năm 2013 đến nay. Cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư hơn 8 tỷ USD trong năm 2014. Lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu của kiểm soát lạm phát, nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và từng bước được xử lý giảm dần.

Tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, mà trọng tâm là tái cơ cấu đàu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những chuyển biến tích cực tuy chưa như mong muốn, nhưng cũng đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào tăng trưởng xuất khẩu cũng đã nói lên phần nào sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với sự phát triển kinh tế, thì tiến bộ công bằng xã hội ở Việt Nam tiếp tục được cải thiện, như: y tế, giáo dục, việc làm, giảm nghèo... đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã sớm hoàn thành một số mục tiêu của "Mục tiêu Thiên niên kỷ" trước thời hạn, nhận được lời biểu dương của Liên hợp quốc.

Chính trị xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bảo đảm ổn định vững chắc trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của người dân Việt Nam đối với các chính sách phát triển của Nhà nước.

Về mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, trong đó kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng Việt Nam là đất nước xã hội chủ nghĩa, hoà bình, độc lập, tự chủ, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Việt Nam sẽ là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Nếu như năm 2014 tăng trưởng khoảng 5,8%, 2015 phấn đấu đạt được khoảng 6%, thì bình quân từ 2016 -2020, Việt Nam sẽ phấn đấu tăng trưởng khoảng 6,5%, và phải phát triển theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục là một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

5 giải pháp mạnh mẽ

Để thực hiện mục tiêu như trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, cụ thể 5 giải pháp sau:

Một là, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ, hiệu quả và năng động hơn. Đồng thời, Việt Nam chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là thực hiện cơ chế giá theo kinh tế thị trường, phân bổ nguồn lực theo cơ chế kinh tế thị trường. Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các công cụ, các giải pháp để điều tiết nền kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Việt Nam một mặt thực hiện các cam kết quốc tế, mặt khác chủ động tham gia dàm phán với nhiều hiệp định thương mại tự do khác (hiện nay đang dàm phán 6 hiệp định thương mại tự do và đang tiến triển tích cực). Với tinh thần như vậy, Việt Nam đang tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh để thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh hơn, phù hợp kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam sẽ ban hành các luật, quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như Hiến pháp quy định "được làm những gì pháp luật không cấm". Do đó, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo cải cách mạnh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Hai là, Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu cạnh tranh cao hơn, hiệu quả cao hơn, coi đây là một giải pháp có ý nghĩa quyết định để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi đây là động lực của phát triển nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ tạo mọi điều kiện trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới để thu hút mạnh hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài, thành phần kinh tế liên tục có đóng góp quan trọng ngày càng tăng những năm qua.

Ba là, Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, cả thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó hết sức khuyến khích hình thức PPP (đối tác công tư). Chính phủ cũng đang tập trung sức để vừa dành nguồn lực nhà nước thỏa đáng, đồng thời thực hiện cơ chế thị trường để đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp.

Bốn là, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân; quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả; nhà nước trong sạch vững mạnh, từng bước ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng. Trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân, cũng như quyền dân chủ của người dân thông qua các tổ chức hợp pháp của mình.

Năm là, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc an ninh chính trị, trật tự xã hội, đảm bảo môi trường sống yên bình của mọi người dân. Việt Nam cũng đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam. Việt Nam khẳng định hệ thống chính trị Việt Nam đủ sức làm quyết tâm này.

Trong cuối bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo đúng luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ nỗ lực để đảm bảo có môi trường đầu tư tốt, an toàn, khẳng định sẽ không có tình trạng một số người manh động như trường hợp đáng tiếc vừa qua, gây phiền lòng tới nhà đầu tư./.