Nhiều điểm mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định PPP được xây dựng theo những định hướng chính là: thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đấu thầu cạnh tranh khi có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm; công khai hóa chính sách/khung giá để giảm thời gian đàm phán; quy định rõ ràng và cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong các dự án PPP, đảm bảo cam kết giữ ổn định môi trường đầu tư cho các dự án PPP…

Dự thảo lần này đã có nhiều điểm mới. Theo đó, lĩnh vực đầu tư theo PPP được mở rộng, nhưng chỉ cho phép thực hiện trong các lĩnh vực đã xác định được khả năng triển khai, trong quá trình thực hiện có thể sửa đổi, bổ sung lĩnh vực nếu cần.

Bên cạnh đó, không hạn chế doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhưng việc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào nhiệm vụ chính, đúng ngành nghề kinh doanh chính, không có nguồn gốc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ của Nhà nước, thẩm định kỹ năng lực khi tham gia và được kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo Nghị định PPP quy định linh hoạt việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự thảo Nghị định cũng không xác định cụ thể tỷ lệ phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP, mà tỷ lệ này sẽ được xác định trên cơ sở phương án tài chính cụ thể của dự án.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định PPP là quy định về quy trình thực hiện đối với 3 loại dự án: dự án do Nhà nước lập đề xuất dự án/báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án do nhà đầu tư lập đề xuất dự án căn cứ chủ trương của Nhà nước, dự án do nhà đầu tư đề xuất mới.

Với cả 2 trường hợp dự án do nhà đầu tư lập đề xuất đều phải công bố công khai để tạo ra sự cạnh tranh, khắc phục một trong những tồn tại lớn ở những dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân trước đây theo hình thức BOT là dự án do nhà đầu tư đề xuất, thì chỉ nhà đầu tư đó nắm được thông tin. Trong nhiều trường hợp nhà đầu tư “tự vẽ” những nội dung có lợi cho mình.

Với những điểm mới trên, Bộ trưởng Bùi quang Vinh cho biết, việc nâng tầm Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ thành một Nghị định riêng về PPP là một bước tiến. Tuy nhiên, nếu Nghị định được ban hành mà không thu hút được nhà đầu tư nào thì đó là sự thất bại của Chính phủ Việt Nam.

Ông Vinh nhấn mạnh rằng, Việt Nam chậm ban hành nghị định này ngày nào, thì tụt hậu ngày đó. Do đó, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất cầu thị, mong sự tham gia góp ý của các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển và các tập đoàn kinh tế có kinh nghiệm để “khi Nghị định ban hành ra sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam”.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định: “Để có thể thực hiện thành công dự án PPP cần một khung khổ chính sách mạnh mẽ, cân đối được quyền lợi của cả Nhà nước và nhà đầu tư”.

Ông Tomoyuki Kimura đánh giá cao những điểm mới của Nghị định PPP dự thảo lần thứ 4. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn rằng, nếu không tiếp tục sửa đổi thì chắc chắn không thể tham gia được cuộc đua thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các nước khác .

Cần cân nhắc lại sự tham gia của DNNN trong PPP

Đây là một trong những điểm đáng lưu ý trong bản khuyến nghị được Công ty luật Hogan Lovells gửi tới cuộc họp lần này.

Theo luật sư, cố vấn cao cấp Stanley Boots (Công ty luật Hogan Lovells): Các vấn đề cần thảo luận xung quanh dự thảo lần này được chia thành 2 nhóm: khu vực công, khu vực tư.

Những vấn đề khu vực công: xoay xung quanh 3 vấn đề chủ yếu: đề xuất dự án của nhà đầu tư; sắp xếp thể chế và vai trò của DNNN.

Ông rất quan ngại về việc DNNN tham gia vào dự án PPP. Theo ông Boots, khi tham gia PPP, rủi ro vẫn nằm ở khu vực nhà nước và có thể khu vực tư nhân không thể tham gia dự án này.

Vì thế, cần quy định các hạn chế hợp lý đối với tham gia của DNNN, bao gồm: Hạn chế DNNN nhận được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ Chính phủ; Đặt ra hạn chế lên phần vốn chủ sở hữu tối đa mà DNNN có thể tham gia dự án.

“Đây là một vấn đề nóng! Vấn đề là làm sao để DNNN được đối xử ngang bằng với khu vực tư nhân”, ông Boots nhìn nhận.

Hơn nữa, theo vị luật sư này, cốt lõi của PPP là huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân. Về bản chất các DNNN đại diện cho nguồn vốn của Nhà nước. “Do vậy, sẽ cản trở mục đích của PPP”, ông nói.

Nhà nước có thể trợ giúp một DNNN trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính hay khi không thực hiện được hợp đồng. Trong khi, thông thường rủi ro này đặt lên khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, phương pháp xác định bảo lãnh cũng không rõ ràng. Không có cơ chế rõ ràng cho việc quản lý: khoản vay ngoại tệ; phần tham gia của Nhà nước dài hạn.

Xác định quy chế xác định bảo lãnh bao gồm trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đánh giá sự cần thiết của bão lãnh và quy trình duyệt. Theo ông Boots, cần làm rõ vai trò của cơ quan nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong việc xác định tác động của các chi phí PPP lên nợ của Nhà nước. Xem xét hình thành một quỹ về nghĩa vụ nợ phát sinhtrong tương lai để có thể hỗ trợ giải quyết ngân sách cho phần tham gia của nhà nước dài hạn.

“PPP nhìn chung sẽ làm gia tăng nợ của Nhà nước, điều này cần giám sát độc lập để kiểm soát các cam kết của Nhà nước. NSNN được hạn chế ở 5 năm, điều này khiến cho việc cam kết thanh toán dài hạn gần như không thể thực hiện được (ví dụ khoản thanh toán đối với việc sử dụng công trình khi hoàn thành)”, ông Boots chỉ rõ.

Nghị định PPP cần hài hòa giữa nguyên tắc và thực tế

Nhấn mạnh rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều khác biệt so với các nước phát triển, cộng với thực tế các dự án đang có tại Việt Nam, Bộ trưởng Vinh cho biết, ban soạn thảo đang cố gắng xử lý để Nghị định PPP ra đời phù hợp và khả thi tại Việt Nam.

Về vấn đề tham gia của DNNN, Bộ trưởng thừa nhận đó là một bước lùi, một giải pháp xử lý tình thế.

Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, hàng hoạt dự án giao thông hiện đang cho DNNN thực hiện. Vì thế, nếu bỏ DNNN thì hàng loạt các DNNN này sẽ ra sao?

“Trong khi nếu để DNNN tham gia, thì lại làm mất tính chất của Nghị định là hướng tới nhà đầu tư tư nhân”, Bộ trưởng Vinh băn khoăn.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Vinh cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sẽ đưa ra các dự án PPP, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra những điều kiện tiên quyết, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra sự độc quyền, đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực này.

Hình thức PPP là huy động vốn của tư nhân tham gia, nên về mặt nguyên tắc việc DNNN tham gia vào đây là không phù hợp. Để xử lý vấn đề này, trước mắt chấp nhận những dự án đang hoạt động, hoặc đang dở dang, còn về lâu dài là không cho phép sự tham gia của các DNNN.

“Cái đang làm dở là làm nốt, nhưng lâu dài là không cho phép thì không thể cho phép DNNN tham gia dự án PPP”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Về vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, Bộ trưởng cũng khẳng định với các nhà tài trợ rằng: Nhà nước Việt Nam sẽ bảo đảm về nguồn ngoại tệ. Còn cơ bản không bảo lãnh tỷ giá, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sắp tới dự kiến sẽ thông qua Luật Đầu tư công, trong đó có quy định về PPP. Theo đó, khi xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn hoặc hàng năm phải làm kế hoạch triển khai dự án PPP, trong đó phải ghi rõ nguồn vốn tham gia của Nhà nước phục vụ cho dự án PPP. Như vậy, các dự án PPP sẽ có cơ sở chắc chắn để triển khai thực hiện./.