Nỗ lực từ phía Chính phủ

Được chuẩn bị từ năm 2007, trải qua các vòng “road show” (giới thiệu dự án) tại các thị trường tiềm năng, như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, dự án Dầu Giây - Phan Thiết đang tìm kiếm nhà đầu tư thứ hai, sau nhà đầu tư thứ nhất đã được lựa chọn là Tập đoàn Bitexco.

Tại cuộc họp với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 14/3, ông In Suk Ko, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Bitexco cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã có quyết tâm trong việc thay đổi những chính sách, khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho PPP được thực hiện tại Việt Nam. Nhà đầu tư tham gia dự án sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi về vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại ".

Ngoài ra, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm thực hiện thành công dự án thí điểm đầu tiên PPP trong lĩnh vực hạ tầng bằng hành động phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Dự án này. Dự kiến số tiền dành cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư lên tới 107 triệu USD.

Có thể nói, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong việc chuẩn bị, thiết lập cơ chế dự án và đưa ra thị trường một mô hình hợp tác công - tư đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Với tổng chi phí xây dựng dự kiến khoảng 750 triệu USD, Dự án sẽ được triển khai theo hình thức Thiết kế - Xây dựng - Tài trợ - Vận hành - Bảo dưỡng và Chuyển giao sau 30 năm.

Đây là dự án hạ tầng giao thông PPP đầu tiên Việt Nam sử dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, có sự tham gia vốn của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án (VGF) nhằm đảm bảo sự hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư tư nhân. Nguồn tài chính của dự án DPEP bao gồm vốn VGF, vốn vay và vốn chủ sở hữu.

Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có chiều dài 98,7 km, quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ kết nối Đồng Nai với TP du lịch ven biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dự kiến, Tuyến cao tốc này sẽ có lưu lượng giao thông cao với tuyến dự án đi qua các khu công nghiệp và các công trình cảng biển và sân bay quốc tế sắp được xây dựng.

Cũng tại cuộc họp trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cần phấn đấu khởi công vào khoảng quý III năm 2015, đảm bảo đúng như cam kết với các nhà đầu tư quốc tế.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 1 khẩn trương hoàn thành công tác đánh giá sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư thứ 2; đồng thời khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Bitexco, tư vấn kiểm tra, rà soát lại tuyến thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai trên cơ sở số liệu, khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng mới.

Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn Bitexco chỉ đạo Tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh nghiên cứu khả thi, cập nhật số liệu khảo sát giải phóng mặt bằng để thiết kế đường gom nhằm giảm thiểu thay đổi, phát sinh về sau.

Và, sự đánh giá cao từ nhà tài trợ

Tại một cuộc họp về dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra, WB một lần nữa khẳng định về tính khả thi của Dự án, đồng thời đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này.

WB đánh giá, đây là dự án có quá trình chuẩn bị bài bản ngay từ những bước đầu tiên, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai và được nhà tài trợ dành nhiều sự quan tâm.

Lãnh đạo WB cho rằng, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chuẩn bị, triển khai Dự án bao gồm việc xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ cấu nguồn vốn,… sẽ giúp Việt Nam nhân rộng mô hình huy động vốn theo hình thức PPP. Việc triển khai thành công dự án thí điểm cũng sẽ tạo bước đệm để Việt Nam tự tin thực hiện nhiều dự án khác đang trong dự kiến sẽ thực hiện theo hình thức PPP.

Trao đổi về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư thứ hai cho dự án, các chuyên gia của WB cho rằng, lợi thế rất lớn của tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là đã có được nhà đầu tư thứ nhất. Dự án đã có sự khởi đầu rất tốt và đây là cơ sở để lựa chọn được nhà đầu tư thứ hai một cách công bằng nhất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của WB cho rằng, để nhà đầu tư quan tâm đến các dự án PPP, thì quy trình đấu thầu cần phải đảm bảo minh bạch và tạo được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên nhân là do, trong những năm gần đây, đa số các dự án đường bộ và đường bộ cao tốc đều do Nhà nước chỉ định và thực thi, trong khi các thành phần kinh tế còn lại vẫn ít được chú ý.

“Chính vì vậy, quy trình đấu thầu cần phải đảm bảo tính minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia phát triển và thực hiện dự án, đồng thời trở thành những đối tác hữu ích cho các doanh nghiệp nhà nước”, đại diện WB chỉ rõ./.