Theo đó, Nhà nước có thể tham gia đóng góp tới 90% tổng mức đầu tư dự án, miễn là dự án thực sự đem lại hiệu quả.

Đây là điểm mới so với quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP: “Tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của Dự án, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của Việt Nam là rất lớn, dự báo từ nay đến năm 2020 cần khoảng 400 tỷ USD nhưng vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng được 40%, còn lại 60% hiện chưa có nguồn.

Trong bối cảnh “cầu nhiều, mà tiền ít” như hiện nay, phương thức Đối tác công – tư (PPP) là một giải pháp được coi là phù hợp và hiệu quả. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhìn nhận: “PPP là kênh huy động vốn khả thi cao trong bối cảnh hiện nay”.

Tuy nhiên, thu hút vốn tư nhân cùng tham gia không dễ. Chính vì vậy, tại Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện đã đề xuất nhiều ưu đãi, hỗ trợ và đảm bảo đầu tư.

Cụ thể: Đối với ưu đãi đầu tư, theo Điều 63 Dự thảo Nghị định: “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”, “nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án (phù hợp với Luật đất đai)”…

Về thuế đối với các nhà thầu tham gia thực hiện dự án, theo Điều 64 Dự thảo Nghị định: “Các nhà thầu nước ngoài (nếu có) tham gia thực hiện dự án nộp các loại thuế và hưởng các ưu đãi về miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài”, còn “các nhà thầu Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Từ Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình đầu tư này. Do đó, cho dù có nhiều dự án đầu tư được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, nhưng chưa có dự án nào triển khai được.

Ông Jean-Pierre Florentin – nhà sáng lập Công ty Tư vấn Nodalis cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành một khung khổ pháp lý vững vàng, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên liên quan để tận dụng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

"Việc giảm các ràng buộc về thể chế và pháp lý là điều kiện cần để thu hút sự tham gia của tư nhân vào các dịch vụ công", ông nói.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP./.