Vì sao bị kiện?

Bộ Tư pháp cho biết, ngày 18/11/2010, ông Michael McKenzie đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận với lý do Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận, đã vi phạm quy định của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được ký ngày 13/7/2000.

Theo ông McKenzie, căn cứ giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp ngày 4/11/2004, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện việc giao khu đất tại huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Bình Thuận cho công ty South Fork, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận không thực hiện việc giao đất, mà lại cấp giấy phép cho một công ty khác tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản trong một phần của khu đất dự kiến giao cho dự án South Fork mà ông không được biết đến.

Trên thực tế, dự án South Fork được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư với quy hoạch là xây dựng và kinh doanh tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển và sân golf với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD do Công ty TNHH South Fork làm chủ đầu tư.

Đến tháng 3/2008, tỉnh Bình Thuận phê duyệt tiến độ phát triển và phân kỳ đầu tư dự án khu du lịch South Fork. Tháng 11/2009, tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho Công ty TNHH South Fork thuê hơn 330 ha đất trong giai đoạn 1.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2010, Tỉnh kiểm tra, thấy South Fork vẫn chưa triển khai đầu tư nên quyết định không cấp sổ đỏ và thu hồi lại dự án nói trên.

Cho rằng việc thu hồi dự án của tỉnh Bình Thuận đã gây thiệt hai cho công ty, ông McKenzie đã đâm đơn kiện và yêu cầu bồi thường hơn 3,7 tỷ USD.

Khúc mắc của vụ kiện nằm ở chỗ, tháng 6/2005, South Fork xin khai thác titan trong khu dự án. nhưng tỉnh Bình Thuận không đồng ý vì South Fork chưa được cấp phép trong lĩnh vực này.

Tiếp đến, tháng 7/2006, tỉnh Bình Thuận có thông báo không cấp phép cho bất kỳ dự án khai thác titan nào trong diện tích đất của South Fork chuẩn bị đầu tư. Thế nhưng sau đó South Fork có ba biên bản thỏa thuận với Công ty Đường Lâm (tháng 8, 9 và 10/2008), cho Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha của dự án. Tôn trọng thỏa thuận của hai bên, tỉnh đã cấp phép cho Công ty Đường Lâm.

Thế nhưng, khu vực cấp phép không nằm trong diện tích hơn 330 ha đất đã giao cho South Fork ở giai đoạn 1.

Điều khó hiểu là năm 2008, khi South Fork chưa được giao đất, chưa đăng ký thuê đất, nhưng lại tự ý cho phép Đường Lâm vào khai thác titan trong dự án với giá 20 USD/tấn. Các chứng từ cho thấy Đường Lâm đã chuyển gần 4 tỷ đồng cho South Fork.

Với những chứng cứ thu thập, Bình Thuận đủ tài liệu phản biện yêu cầu khởi kiện của South Fork.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và giải thích với ông McKenzie về các quyền và nghĩa vụ của ông và công ty South Fork theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng ông McKenzie không chấp nhận.

Quá trình xét xử kéo dài

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp làm đại diện, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận tham gia giải quyết vụ kiện tại trọng tài quốc tế.
Sau đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và Công ty Luật quốc tế Hogal Lovells nghiên cứu, thu thập chứng cứ, xây dựng phương án tranh tụng để phản bác lại các cáo buộc của ông Mc Kenzie, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.

Tháng 7/2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tổ chức phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại Hồng Kông. Trong lập luận của mình, đại diện Việt Nam thể hiện quan điểm: Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xem xét bất kỳ yêu cầu khởi kiện nào của ông McKenzie do ông đã thiếu trung thực, thiếu thiện chí ngay từ khi làm thủ tục xin phép đầu tư tại Việt Nam, khoản đầu tư của ông McKenzie không được bảo hộ theo hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ; các yêu cầu khởi kiện của ông là không có cơ sở; các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật và không vi phạm bất kỳ quy định nào của hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Sau 5 tháng kể từ khi kết thúc phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại Hồng Kông, tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam; khẳng định Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này; bác bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện, trong đó có các chi phí của Hội đồng Trọng tài, chi phí thuê luật sư quốc tế và tham gia phiên họp giải quyết vụ việc tại Hồng Kông.

Chính phủ Việt Nam luôn thiện chí

Bộ Tư pháp cho biết, đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam sẵn sàng thảo luận với nhà đầu tư để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc hay những bất đồng, tranh chấp có thể xảy ra. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài khi chọn đầu tư tại Việt Nam hiểu đúng thiện chí của Chính phủ Việt Nam để cùng hợp tác, làm ăn lâu dài, ổn định vì mục tiêu tốt đẹp.

Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận các đòi hỏi, yêu cầu hay khiếu kiện vô căn cứ của nhà đầu tư và sẵn sàng tham gia xử lý những vấn đề pháp lý, tranh tụng quốc tế để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của quốc gia./.
Nguồn:
http://doanhnhan.vneconomy.vn/20140304034728822P0C5/viet-nam-thang-vu-kien-hon-37-ty-usd.htm
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/158603/viet-nam-thang-kien-vu-an-4-ty-usd.html
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/161836/ly-ky-vu-thang-kien-3-5-ty-do-cua-viet-nam.html