Bước chuyển giao quan trọng

Tại Họp báo Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2013 vừa diễn ra vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trước đây, CG đã được tổ chức như một diễn đàn thường niên đối thoại về chính sách phát triển của Chính phủ, hợp tác phát triển và quan hệ đối tác với các nhà tài trợ; định hướng ưu tiên huy động và sử dụng nguồn vốn ODA. Hội nghị CG cũng là diễn đàn để các nhà tài trợ thông báo các khoản cam kết ODA cho Việt Nam.

Tính đến tháng 12/2012, đã có 20 Hội nghị CG thường niên và 15 Hội nghị CG giữa kỳ (tổ chức đầu tháng 6 hàng năm) được tổ chức. Thông qua các hội nghị này, 78,195 tỷ USD vốn ODA đã được các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam. Tổng vốn ODA cam kết thường gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong 20 năm qua, từ năm 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,195 tỷ USD, trong đó ký kết đạt 56,05 tỷ USD (chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết) bao gồm 51,607 tủ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,59 tỷ USD, chiếm 66,92% vốn ODA đã được ký kết.

Điều đáng nói là đi theo cùng với nguồn vốn này là các dự án, với nhiều kinh nghiệm được đối tác hỗ trợ chuyển gia, “Nguồn vốn này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển của Việt Nam”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Vì thế, quan hệ phát triển đối với các đối tác sẽ có những thay đổi điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã qua “thời kỳ bú mớm”, đến nay đã trưởng thành, phải tự lập, đứng trên đôi chân của mình.

“Con cá cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần câu để có thể câu được nhiều cá hơn”, Bộ trưởng Vinh ví von. Đây là một thời điểm tốt để Việt Nam chuyển đổi

“Song, điều quan trọng là Việt Nam phải có tâm thế phải làm quen với vốn vay thương mại với lãi suất ngày càng cao”, Bộ trưởng Vinh nói.

Chính phủ sẽ lồng ghép các nguồn vốn khác nhau khi triển khai các dự án. Với những dự án có thể thu hồi vốn phải dùng vốn vay.

“Chúng ta đã quá quen với vốn cho không và vì thế rất khó phát triển. Cần phải quen với việc có vay, có trả, để lựa chọn cách làm hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đây là một bước chuyển đổi có ý nghĩa vô cùng sâu sắc”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Đồng tình với Bộ trưởng Vinh, ông Suzuki, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản: “Cho cần câu chứ không phải cho con cá, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nhiều cần câu cho Việt Nam”.

Ba nội dung chính diễn ra tại VDPF 2013

Trên cơ sở những thay đổi này, Chính phủ và các nhà tài trợ đã có nhất trí đổi mới Hội nghị CG theo hướng là một Diễn đàn đối thoại mở rộng với sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam với tên gọi Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, VDPF sẽ bao gồm 3 nội dung chính:

Nội dung thứ nhất, đối thoại chính sách: Diễn đàn sẽ tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển, cũng như các thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và quan hệ hợp tác phát triển.

Người Việt Nam có câu, cho cá đã quan trọng, nhưng việc cho cần còn quan trọng hơn. Vì thế, để tự lập, đứng trên đôi chân của mình thì cần được sự tư vấn của các đối tác.

Với mục đích tập trung vào việc đối thoại chính sách, Chương trình nghị sự của VDPF sẽ không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết ODA như trước đây.

Các mức cam kết sẽ được ký kết theo song phương. Nhiều quốc gia công bố cam kết không giống nhau về thời điểm, nên điểm đổi mới này sẽ giúp Việt Nam và các đối tác phát triển chủ động trong công việc của mình.

“Mức cam kết của các nhà tài trợ dự kiến sẽ không thấp hơn so với các năm trước”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Nội dung thứ hai là thảo luận về Định hướng hoạt động và thực hiện chính sách

Nội dung thứ ba là Diễn đàn của tất cả các đối tác phát triển: Diễn đàn được mở rộng là một diễn đàn đa phương, bao gồm tất cả các đối tác phát triển tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách và hợp tác phát triển với cơ cấu thành phần tham dự VDPF mở rộng, bao gồm các đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các nhà tài trợ song phương, đa phương, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu.

Trước và sau Diễn đàn vẫn tổ chức các hoạt động như Diễn đàn doanh nghiệp, đối thoại phòng chống tham nhũng và Diễn đàn Hiệu quả viện trợ.

Diễn đàn VPDF 2013 có tên gọi là: Xây dựng quan hệ đối tác mới: hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện, sẽ diễn ra vào ngày 5/12/2013. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự, với khoảng 300 đại biểu, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, đại diện đối tác phát triển...

Chủ đề tổng quát thảo luận tại Diễn đàn là: Duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng.

Các chủ đề theo lĩnh vực gồm: Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người; Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công (tập trung vào lĩnh vực cung cấp nước và vệ sinh môi trường); Quản lý môi trường; Đào tạo nghề và tăng cường kỹ năng.

Theo bà KwaKwa – Giám đốc WB tại Việt Nam, Diễn đàn sẽ định hướng hành động nhiều hơn so với CG. Có thể thống nhất các hành động thực hiện để giúp Việt Nam có thể tiếp tục đạt được những tiến bộ. Chúng tôi nhận thức được nhu cầu về tài chính rất lớn của Việt Nam. Các cam kết nguồn lực được thực hiện ở các cuộc gặp song phương. Chính phủ có thể huy động các nguồn lực từ các nguồn vay mới, các nhà đối tác mới.

Chính phủ tăng cường hiệu quả đầu tư công, dịch vụ công… Sẽ không có nhiều nguồn viện trợ không hoàn lại như trước đây, các nguồn tài trợ phát triển sẽ chuyển cho các nước nghèo hơn Việt Nam.

Trí Dũng