Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án) được thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư năm 2008. Đến nay, 5 gói thầu chính của dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đã thực hiện xong bước sơ tuyển nhà thầu, mỗi gói thầu đều có 4 nhà thầu tham gia.

Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với JICA trong việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án tại kỳ họp tháng 5/2018.

Xem đề nghị của UBND thành phố Hà Nội và ý kiến của một số Bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu đã cung cấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 25/4/2018.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến ccuar Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Văn bản nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt; trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội gặp nhiều thách thức và áp lực do sự gia tăng dân cư ngày càng lớn. Với tình hình và xu hướng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, nhằm giảm ùn tắc giao thông, yêu cầu phải hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị.

Đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, do đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội nói riêng là cần thiết.

Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt. Trước mắt, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực (kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT) để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo kết nối thống nhất toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội (kết nối giữa các nhà ga, các đoàn tàu và trung tâm quản lý điều hành); khi kết nối các tuyến đường sắt phải bảo đảm về kỹ thuật và an toàn.

Quá trình thực hiện các dự án đầu tư phải đảm bảo giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có, đặc biệt là các công trình di sản, công trình quan trọng và đảm bảo an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng.

Phó Thủ tướng giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm trình Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp cuối năm nay. Hiện nay, các hạng mục công việc của dự án cần được tiếp tục thực hiện (như thiết kế kỹ thuật) để khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể được triển khai thực hiện nhanh hơn, bởi vì, đã chủ động được về vốn ngân sách, vốn của nhà đầu tư theo hình thức BT và chủ động về quỹ đất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án hạ tầng đô thị đang được thực hiện, trong đó có 2 tuyến đường sắt, gồm tuyến Nhổn-ga Hà Nội và tuyến Cát Linh - Hà Đông./.