Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11, cả nước đã có 1.175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,78 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng với 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư (với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,036 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ), cả nước đã thu hút được 20,815 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Về vốn thực hiện, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 10,55 tỷ USD, tăng 5,5% với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, vốn thực hiện cũng đã hoàn thành mục tiêu đề ra từ 10,5 – 11 tỷ USD và chắc chắn sẽ vượt mục tiêu khi vẫn còn 1 tháng nữa.

Trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút được FDI qua 11 tháng, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm lĩnh với 557 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,078 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.

Về đối tác đầu tư, trong 11 tháng, Nhật Bản dẫn đầu trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,682 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,278 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,129 tỷ USD, chiếm 19,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong khi đó, nếu xét theo địa bàn đầu tư, với các dự án quan trọng của Samsung, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,357 tỷ USD, chiếm 16,1% vốn đăng ký. Bên cạnh Thái Nguyên, Thanh Hóa với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đứng thứ hai với 2,921 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,606 tỷ USD, chiếm 12,5% vốn đăng ký.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 11 tháng đầu năm 2013 dự kiến đạt 81,160 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 67,06% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 74,563 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61,61% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI 11 tháng năm 2013 đạt 68,942 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,92% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 12,218 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 96 triệu USD./.