Trong cuộc tái ngộ lần này, Tổng thống V. Putin và các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ cùng nhìn lại những mục tiêu, kế hoạch triển khai đã đặt ra; đồng thời tiếp tục thảo luận những phương hướng, mục tiêu hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới

Với mối quan hệ chiến lược toàn diện, những năm qua, quan hệ hợp tác mọi mặt, đặc biệt là kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, an ninh, quốc phòng giữa hai nước đã phát triển không ngừng. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga đạt 3,7 tỷ USD, riêng 8 tháng đầu năm 2013 đạt 1,88 tỷ USD.

Về đầu tư, Nga hiện đứng thứ 18/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 92 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng số vốn đăng ký hơn 1,9 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga cũng tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008 đã lên mức trên 2,4 tỷ USD hiện nay với 17 dự án. Hai bên đã thành lập Nhóm Công tác cấp cao nhằm xúc tiến các dự án chung ưu tiên, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, trong đó đã xác định 15 dự án ưu tiên cho thời gian tới.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai nước đã hợp tác tốt và hiệu quả trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam, mà cả ở lãnh thổ LB Nga với nhiều dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh đang hoạt động hết sức hiệu quả như Vietgazprom, Gazpromviet, Rusvietpetro. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Nga mở rộng hơn nữa hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Hai bên cũng đang tích cực triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với phương châm an toàn, chất lượng, hiệu quả và sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển ngành điện hạt nhân, mong muốn Nga giúp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để về lâu dài Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, quản lý và vận hành an toàn Nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật và giáo dục – đào tạo giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược. Việt Nam đánh giá cao việc Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cho các ngành công nghiệp chủ chốt như dầu khí, điện hạt nhân, khoa học cơ bản. Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại LB Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam và là những cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Hai bên hiện cũng đang duy trì hoạt động hiệu quả Cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng - an ninh thường niên; tham vấn chính trị định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao để trao đổi ý kiến thường xuyên và kịp thời về các vấn đề hợp tác quốc phòng – an ninh, về hòa bình và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Quan hệ hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa giữa hai nước cũng phát triển tốt đẹp. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch, với 176.000 lượt khách tới Việt Nam trong năm 2012 và tiếp tục tăng mạnh khi đạt trên 200.000 lượt khách chỉ trong 9 tháng của năm 2013… Các hoạt động giao lưu văn hoá, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng diễn ra sôi động.

Về an ninh- quốc phòng, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh là đây lĩnh vực hợp tác truyền thống, tiếp tục được củng cố và phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy. Hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc các cấp để trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan; phối hợp đồng bộ và triển khai hiệu quả các thỏa thuận và hợp đồng đã ký kết.

Kết quả chuyến thăm và những thỏa thuận, văn kiện được lãnh đạo cấp cao hai bên trao đổi, ký kết sẽ mở ra triển vọng mới, tiếp tục đưa quan hệ Việt- Nga đi vào chiều sâu, rộng mở hơn, đa dạng hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Dự kiến trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký kết 15 văn kiện hợp tác quan trọng, đặc biệt là thúc đẩy triển khai thực hiện Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng kinh phí 8 tỷ USD; thành lập Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân; hợp tác về dầu khí, ngân hàng...

Tuy vậy, mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho biết, quan hệ Việt - Nga đang phát triển hết sức tốt đẹp nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Trong thời gian tới, hai bên cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế với 3 trụ cột là thương mại, đầu tư và năng lượng, nhất là dầu khí, điện hạt nhân, hợp tác quốc phòng - an ninh, kỹ thuật quân sự cần được tăng cường. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch … phải được nâng lên tầm cao mới, là nền tảng quan trọng để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước./.

Hải Yến (tổng hợp)