Tại Họp báo thường niên JICA 2018 sáng 10/5, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam thông báo, kết quả đạt được trong năm tài khóa 2017 khá tích cực, đã có 3 hiệp định được ký kết giữa Việt Nam và JICA với tổng số vốn vay ODA là 61,8 tỷ Yen. Tổng giá trị vốn vay mà JICA đã giải ngân cho Việt Nam lên đến 105,4 tỷ Yen, trong đó giá trị ròng (trừ đi khoản Việt Nam đã trả nợ) là 53,9 tỷ Yen.

Trong tài khóa 2017, JICA đã giải ngân 105,4 tỷ Yen vốn ODA cho Việt Nam

Năm tài khóa 2017, JICA đã thực hiện các chương trình hợp tác phát triển tại Việt Nam tập trung vào ba trụ cột. Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, JICA đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các dự án cơ sở vật chất hạ tầng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiêu biểu như Dự án xây dựng Cảng quốc tế Lạch Huyện – dự án đầu tiên được thực hiện theo hình thức hợp tác công – tư. Các hạng mục cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu của Cảng được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA, còn hạng mục xây dựng và vận hành bến tàu container do doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Dự án áp dụng điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP), sử dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Dự kiến, Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ được khai trương (đón chuyến tàu đầu tiên) vào ngày 13/5 tới, qua đó sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và vận tải đường thủy ngày càng tăng tại Việt Nam.

Về hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, JICA tham gia các dự án về y tế, môi trường, phòng chống thiên tai… theo hình thức hợp tác kỹ thuật hoặc viện trợ không hoàn lại, cụ thể như: Dự án tăng cường năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi, Dự án tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam, Dự án cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu, TP. Hội An…

Đối với trụ cột tăng cường quản trị nhà nước, bên cạnh dự án nâng cao năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam giai đoạn 2, JICA còn hỗ trợ Việt Nam cải cách cơ cấu hành chính và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý tương lai.

Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện JICA Việt Nam, vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai các dự án, cụ thể là:

Thứ nhất, vấn đề chậm thanh toán tại các dự án ODA. Ở Việt Nam, năm 2012, Quốc hội đã ra quyết định về trần nợ công ở mức 65% GDP. Năm 2015, Chính phủ đã đặt mức giới hạn vay tối đa trong 1 năm đối với các dự án vốn vay ODA căn cứ theo Luật Ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện chính sách tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn, dẫn đến việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án mà JICA đang hỗ trợ Việt Nam và tình hình này ngày càng trở nên trầm trọng. Nổi bật là Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến số 1 chưa được Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Thứ hai, chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án ODA. Cụ thể là việc chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, chậm giải phóng mặt bằng…

“Để các dự án ODA của Nhật Bản được thực hiện một cách thuận lợi và nhanh chóng, đạt được hiệu quả mong muốn, JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay ODA và đơn giản hóa thủ tục”, Trưởng đại diện JICA Việt Nam đề xuất.

JICA cũng cam kết nỗ lực hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mức độ cao hơn và muốn hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện hạ tầng phần cứng và phần mềm (như đào tạo nhân lực, chia sẻ bí quyết quản lý kinh doanh…), đóng góp và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới./.