Nhìn lại 20 năm thu hút ODA

“Cách đây 20 năm, khi hoạt động tài trợ được nối lại, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển, đang trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới toàn diện. Qua 2 thập kỷ, nền kinh tế đã giành được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 7% mỗi năm”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh lại điều này như làm rõ hơn vai trò của nguồn vốn ODA trong sự phát triển của Việt Nam hiện nay.

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2010, nền kinh tế vẫn giữ được ổn định vĩ mô, cơ cấu kinh tế quốc gia đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm/ Ảnh: Nhật Bắc

"Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cùng tự hào về việc Việt Nam đã phát triển thành công trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Làm rõ hơn những đóng góp của nguồn vốn ODA với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Hiện nay có 51 nhà tài trợ song phương và đa phương, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương có các chương trình ODA thường xuyên cho Việt Nam. Hầu hết các nhà tài trợ đều có chiến lược hoặc chương trình hợp tác trung hạn về hợp tác phát triển cho Việt Nam.

Thông qua 20 Hội nghị CG thường niên, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt 78,195 tỷ USD. Mức cam kết ODA trong suốt thời gian quan, kể cả những lúc kinh tế của nhà tài trợ gặp khó khăn, đã thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

20 năm qua, tổng vốn ODA ký kết trong các Điều ước quốc tế đạt trên 63,05 tỷ USD, còn tổng vốn ODA giải ngân đạt khoảng 42,09 tỷ USD, chiếm trên 66,75% tổng vốn ODA ký kết.

Tuy nhiên, mức giải ngân chưa tạo ra được những đột phá lớn, dù đã có những cải thiện tích cực để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Bộ trưởng cũng đánh giá việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua, cơ bản đạt hiệu quả và có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

“Chúng ta, có thể nói, đã thành công nhiều mặt khi thu thu và sử dụng hiệu quả nguồn ODA của các nhà tài trợ”, Bộ trưởng cho biết.

Cụ thể, những thành công này được thể hiện qua những mặt sau:

- Về mặt chính trị, đã góp phần hiện thực hóa một cách có hiệu quả chủ trương, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trong suốt 20 năm qua, cộng đồng tài trợ quốc tế cam kết cung cấp vốn ODA cho Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước kể cả trong những năm khu vực và thế giới rơi vào trì trệ.

Việc chính phủ các nhà tài trợ cam kết ODA cho Việt Nam cũng góp phần tạo môi trường tin cậy để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam.

- Về mặt chính sách, Việt Nam đã chủ động khai thác những mặt tích cực của ODA để phục vụ cho công cuộc đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này thể hiện qua việc chúng ta tiếp nhận các khoản vay và viện trợ kèm theo khung chính sách của các định chế tài chính quốc tế, như: IMF, WB… để cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng.

- Về mặt kinh tế, nguồn vốn ODA được đánh giá đã góp phần tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 4% GDP trong đầu tư phá triển, song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân chiếm khoảng 15-17%).

Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư phát triển của Việt Nam còn hạn chế, trong khi nhua cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lại rất lớn.

Vẫn còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi lễ, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng ,quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Năng lực hấp thụ viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân, theo Thủ tướng, là quy trình, thủ tục trong nước vẫn còn khác biệt với các nhà tài trợ quốc tế, làm cho quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải vướng mắc, khó khăn.

Thời gian sắp tới, để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn tài trợ, Thủ tướng chỉ rõ:

Thứ nhất là vai trò làm chủ quốc gia về chủ trương, chính sách và các mục tiêu phát triển với sự đồng tình và ủng hộ của các đối tác phát triển. Đây là yếu tố thể hiện tinh thần tự chủ, phát huy mạnh mẽ nội lực của chính mình và là một yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ đối tác hợp tác phát triển hiệu quả.

Thứ hai là bảo đảm nguồn lực đối ứng. Việc bảo đảm nguồn lực đối ứng kịp thời, phù hợp là sự thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao của Chính phủ trong quan hệ đối tác hợp tác phát triển.

Thứ ba là tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiến gần tới các chuẩn mực quốc tế. Các quy định quản lý và sử dụng ODA phải ngày càng đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và hài hoà hơn với quy định của các nhà tài trợ là một yếu tố quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ODA.

Thứ tư nâng cao chất lượng đối thoại chính sách phát triển. Trong bối cảnh phát triển mới Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VPDF) tập trung đối thoại về chính sách và mở rộng sự tham gia của các bên, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA trong thời gian tới

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đã bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Nguồn viện trợ sẽ giảm dần về số lượng và mức độ ưu đãi trong thời gian tới. Các khoản vốn vay ưu đãi (IDA) có lãi suất thấp nhất sẽ ít đi và tỷ trọng nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp cho các nước đang phát triển (IBRD) sẽ tăng lên (lãi suất IBRD cao hơn IDA).

Trong thời gian tới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ được ưu tiên sử dụng trên cơ sở các nguyên tắc là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015 và 2016- 2020), trong đó tập trung ưu tiên thực hiện 3 đột phá lớn hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam xác định ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng, khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cũng sẽ được sử dụng như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó có PPP.

Ngoài ra, một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất, nhằm thúc đẩy thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ bao gồm: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tri thức./.

Phương Anh