Hai điểm nổi bật trong Chiến lược Hợp tác Phát triển giữa hai nước giai đoạn 2013-2016 là Thụy Sỹ sẽ tăng mạnh ngân sách hỗ trợ lên 123 triệu Frăng Thụy Sỹ (CHF), tức tăng 50% so với giai đoạn cùng kỳ 4 năm trước và chuyển trọng tâm sang hợp tác phát triển kinh tế.

Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã hoan nghênh quyết định của Thụy Sỹ tăng tổng ngân sách tài trợ cho Việt Nam và chuyển hướng tập trung sang hợp tác phát triển kinh tế. Đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Sỹ vào Việt Nam đã vượt quá 2 tỷ USD trong năm 2012, thuộc nhóm các nước hàng đầu của châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước đang trong đà tăng trưởng, đạt 800 triệu USD trong năm 2012.

Hỗ trợ ODA của Thụy Sỹ cho Việt Nam, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại, đã có ý nghĩa to lớn trong phát triển của Việt Nam. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật của Thụy Sỹ đã góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam để làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý kinh tế vĩ mô, tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Thụy Sỹ và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam khẳng định: “Thụy Sỹ không chỉ là một đối tác lâu dài, mà còn là một đối tác toàn diện và hiệu quả của Việt Nam”. Ông Andrej Motyl đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong tiến trình phát triển. Trong sự phát triển mới, Đại sứ Thụy Sỹ cho rằng, trí thức đang ngày càng trở thành nguồn vốn quan trọng hơn bất cứ chuỗi giá trị gia tăng nào khác (chiếm 25% tăng trưởng năng suất ở châu Âu) và đó cũng là điều mà Thụy Sỹ mong muốn được chia sẻ với Việt Nam trong sự hợp tác.

Hợp tác Phát triển của Thụy Sỹ tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 và trở thành nền tảng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Tính đến năm 2012, Thụy Sỹ đã đóng góp 340 triệu CHF (tương đương 360 triệu USD) cho chương trình phát triển và cải cách kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hai đơn vị phối hợp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam là Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Để phù hợp với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp hóa và là quốc gia có thu nhập trung bình, Thụy Sỹ thay đổi trọng tâm chương trình hợp tác và có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ chương trình hợp tác phát triển kinh tế (SECO) trong khi giảm dần hỗ trợ trong xóa đói giảm nghèo truyền thống (SDC). Trong tổng kinh phí 123 triệu CHF của Hợp tác Phát triển của Thụy Sỹ tại Việt Nam giai đoạn 2013-2016, SECO dự kiến sẽ cung cấp 100 triệu CHF, và SDC cung cấp 23 triệu CHF.

Hợp tác phát triển của Thụy Sỹ giai đoạn 2013-2016 sẽ hỗ trợ 5 lĩnh vực: Xây dựng khung chính sách chất lượng phục vụ tăng trưởng toàn diện và bền vững; Nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh cho các DNNVV; Thúc đẩy các chính sách thân thiện với môi trường; Quản trị địa phương và sự tham gia của người dân; Nông nghiệp và an ninh lương thực./.

Anh Đức