Vẫn chưa đạt yêu cầu

Tình hình giải ngân hiện đang trong “chặng nước rút”. Từ nay đến hết năm, liệu giải ngân có đạt mục tiêu đề ra? Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) qua nửa đầu năm nay mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch vốn được giao.

Theo kế hoạch từ đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển được giao trên 165.892 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.600 tỷ đồng để lại của Tập đoàn Dầu khí). Ngoài ra, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2013 là 60 nghìn tỷ đồng, bao gồm 22.114,8 tỷ đồng của khối trung ương và 37.885,2 tỷ đồng của các địa phương.

Thế nhưng, theo số liệu Bộ Tài chính công bố 7 tháng đầu năm 2013, số vốn giải ngân mới là trên 82.768 tỷ đồng, chỉ đạt 50% kế hoạch; trong đó khối trung ương gần 18.626 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch nhà nước giao; địa phương gần 64.143 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch. Trên cơ sở số liệu giải ngân 7 tháng, Bộ Tài chính ước giải ngân 8 tháng đầu năm 2013 là trên 98.701 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch năm.

Giải ngân vốn TPCP 7 tháng đầu năm 2013 là trên 34.152 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch; bao gồm trung ương là gần 11.882 tỷ đồng, đạt 53,7%; địa phương là trên 22.270 tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch. Ước giải ngân 8 tháng đầu năm 2013 là trên 39.152 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.

Đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) nhận định, việc triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2013 của các bộ, địa phương hiện đã hoàn thành đúng quy định.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại 45,7 tỷ đồng, bao gồm 20,7 tỷ đồng vốn trong nước và 25 tỷ đồng vốn nước ngoài chưa đủ điều kiện thanh toán trong năm 2013 (trong đó có vốn của 1 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia chưa quyết định đầu tư. 1 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia có quyết định đầu tư sau 25/10/2012 và vốn chương trình mục tiêu của Bộ Công thương chưa phân bổ chi tiết gửi Bộ Tài chính).

Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh thanh toán

Cũng theo nhận định của Vụ Đầu tư, mặc dù giải ngân vốn đầu tư XDCB qua 7 tháng đầu năm 2013 cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 2,3%; tốc độ giải ngân tăng đều qua mỗi tháng, nhưng nhìn chung tỷ lệ giải ngân vẫn chưa cao so với kế hoạch vốn được giao.

Ngoài một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Bộ Công an (70,4%), Liên đoàn bóng đá Việt Nam (94,9%), tỉnh Thái Bình (86,2%), Tây Ninh (92,5%), thì điển hình có đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Ngân hàng Nhà nước (2,5% do đến tháng 5/2013 mới được phép thực hiện kế hoạch vốn của 2 dự án chuẩn bị đầu tư), Ngân hàng chính sách xã hội (1,3% do kế hoạch năm 2013 chỉ thực hiện 1 dự án chuyển tiếp)…, đại diện Vụ Đầu tư nhấn mạnh.

Tương tự, tỷ lệ giải ngân vốn TPCP cao hơn so cùng kỳ năm 2012 là 13,1%, nhưng cũng có nhiều địa phương đạt thấp , đơn cử như Tp. Hồ Chí Minh (5,4%), Tây Ninh (16,4%), Gia Lai (13,6%).

Trước tình hình NSNN năm 2013, định hướng NSNN năm 2014 thông qua các Chỉ thị và Thông báo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi để bổ sung dự phòng NSTW đối với số vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN đã được giao, nhưng đến ngày 30/6/2013 chưa phân bổ, phân bổ không đúng quy định hoặc dự án đã được phân bổ vốn nhưng chưa triển khai thực hiện.

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, ngay từ đầu tháng 7 và cuối tháng 8/2013, Bộ đã có các công văn hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2013.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với hệ thống Kho bạc nhà nước tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh kiểm soát và thanh toán nhằm tạo điều kiện về vốn cho nhà thầu; tích cực chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư để thúc đẩy, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn