Chi đầu tư chỉ đáp ứng được mức thấp so với yêu cầu

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định tổng số chi đầu tư phát triển theo từng nguồn vốn đã được tính toán trên cơ sở dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tổng thu, chi cân đối ngân sách năm 2011, trong đó: (i) Vốn đầu tư thuộc NSNN 152.000 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng số chi đầu tư phát triển toàn xã hội, giảm 11,1% so với thực hiện năm 2010 (171.000 tỷ đồng); (ii) Vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ 45.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số chi đầu tư phát triển toàn xã hội, giảm 27,9% so thực hiện năm 2010 (62.400 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2011 chỉ đáp ứng được mức thấp so với nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương.

Điển hình như: tỉnh Lai Châu: Vốn NSNN đạt 33,7% (nhu cầu 2.925 tỷ đồng, phân bổ: 987 tỷ đồng), vốn TPCP đạt 19,4% (nhu cầu 3.638 tỷ đồng, phân bổ 707 tỷ đồng); Bình Phước: Vốn NSNN đạt 38,4% (nhu cầu 1.859 tỷ đồng, phân bổ 714 tỷ đồng), vốn TPCP đạt 19,3% (nhu cầu 733 tỷ đồng, phân bổ 142 tỷ đồng); Sơn La: vốn NSNN đạt 34,3% (nhu cầu 2.881 tỷ đồng, phân bổ 989 tỷ đồng), vốn TPCP đạt 55,2% (nhu cầu 1.823 tỷ đồng, phân bổ 1.008 tỷ đồng)...

Bố trí vốn còn dàn trải, thiếu tập trung

Đã vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một số bộ, ngành, địa phương quyết định phân bổ kế hoạch chậm; không phân bổ hết số vốn được giao từ đầu năm; còn tình trạng giao kế hoạch vốn đầu tư cho một số dự án chưa đủ thủ tục; một số địa phương phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo tàng Hà Nội - một trong những dự án điển hình của sự lãng phí, và có nhiều vướng mắc khi triển khai xây dựng

Việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn vẫn còn phổ biến. Theo số liệu của Bộ Tài chính, các địa phương đến hết năm 2011 còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư (tổng mức đầu tư 273.469 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa bố trí được vốn đầu tư. Đặc biệt, tại một số địa phương, nếu tính theo kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011 của địa phương (bao gồm cả vốn NSNN và vốn TPCP), thì phải mất nhiều năm địa phương mới đầu tư hết cho các dự án này (chưa bao gồm số vốn phải bố trí cho các dự án dở dang và trả nợ), cụ thể: Tỉnh Hưng Yên 23,68 năm (26.659/1.126 tỷ đồng); Lâm Đồng 18,96 năm (25.295 /1.334 tỷ đồng); Nghệ An 8,92 năm (26.932/3.018 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, còn tình trạng một số địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn đầu năm, trong đó: TP. Hà Nội 1.587 tỷ đồng; Tỉnh Vĩnh Phúc 406,2 tỷ đồng; Hà Nam 19 tỷ đồng (Vốn quy hoạch chuẩn bị đầu tư 4 tỷ đồng, vốn hỗ trợ các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố 15 tỷ đồng); Quảng Trị 15 tỷ đồng…

Một số địa phương bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho nhiều dự án quá thời gian quy định, như: Bộ NN&PTNT đầu năm phân bổ 74,59 tỷ đồng cho 39 dự án không thuộc kế hoạch 5 năm ngành Nông nghiệp; TP. Hồ Chí Minh sử dụng vốn đầu tư để bố trí vốn cho 58 đồ án quy hoạch 48,6 tỷ đồng, bố trí vốn đầu tư cho hoạt động dịch vụ công ích đô thị 9,06 tỷ đồng thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên; tỉnh Quảng Ninh bố trí 7,35 tỷ đồng cho các dự án lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Nhiều địa phương bố trí vốn không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được. Điển hình là: Hà Nội có 76 dự án được bố trí 130,7 tỷ đồng không giải ngân được và kế hoạch vốn năm 2011 của các dự án còn tồn 683,8 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Phúc vốn đầu tư còn tồn cuối năm chưa giải ngân 723,2 tỷ đồng...; hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ có số lần điều chỉnh dự án nhiều nhất là Bộ NN&PTNT với việc phải điều chỉnh 211 dự án; Tổng Cục Hải quan điều chỉnh 76/83 dự án; Bộ Văn hóa TT&DL điều chỉnh 40/61 dự án;

Ngoài ra, việc chưa bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng khối lượng hoàn thành; một số địa phương bố trí vốn vốn đầu tư cho một số dự án không thông qua HĐND, như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2011.

Điều đáng nói là vẫn còn rất nhiều dự án đầu tư mới được các địa phương bố trí vốn.

Cụ thể: Tỉnh Long An bố trí 559,07 tỷ đồng cho 471 dự án; Vĩnh Phúc bố trí 383 tỷ đồng cho 135 dự án; Điện Biên bố trí 238 tỷ đồng cho 155 dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện bố trí vốn; Nam Định bố trí 71 tỷ đồng cho 42 dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện bố trí vốn; Thừa Thiên Huế bố trí 42 tỷ đồng cho 22 dự án khởi công mới không phải dự án cấp bách; Hà Giang bố trí 19,2 tỷ đồng cho 23 dự án không phải dự án cấp bách; Quảng Trị bố trí 47,5 tỷ đồng cho 17 công trình khởi công mới không phải dự án cấp bách; TP. Đà Nẵng bố trí vốn đầu năm cho 167 công trình khởi công mới, sau khi rà soát, sắp xếp lại kế hoạch vốn số công trình khởi công mới cuối năm tăng lên 170 công trình, theo báo cáo của địa phương đã cắt giảm 61 danh mục công trình với số vốn 247,6 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ cắt giảm vốn của 13 công trình để điều chuyển vốn cho 21 công trình khác.

Nhiều dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư không đúng quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Đó là: Tổng Cục Thuế bố trí vốn cho 20 dự án chưa có trong danh mục đăng ký vốn năm 2011 là 27 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án chưa có Quyết định đầu tư trước ngày 31/10/2010 (tỉnh Khánh Hòa: 182 dự án; Bến Tre: 91 dự án; Quảng Trị: 37 dự án; TP. Hồ Chí Minh: 11 dự án; Nam Định: 72 dự án; Quảng Ninh: 343 dự án; Bình Định: 68 dự án…).

Công tác quản lý đầu tư còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, việc chấp hành chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty năm 2011 đã dần được cải thiện. Theo đó, trong năm 2011 có 15.228 dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên được phê duyệt mới; 38.420 dự án đang thực hiện và 15.077 dự án đã kết thúc bàn giao; trong đó có 100 dự án vi phạm thủ tục; 145 dự án phát hiện có thất thoát vốn.

Kết quả kiểm toán lần này cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị từ những năm trước chậm được khắc phục, như:

- Chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn nhiều bất cập, do phân cấp rộng nhưng thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn. Điển hình như: tỉnh Cà Mau phê duyệt 207 dự án xây dựng mới với tổng mức đầu tư 3.561 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí vốn cho 55 công trình 75 tỷ đồng, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2011 rất lớn (4.740 tỷ đồng), trong khi kế hoạch vốn đươc bố trí thấp (1.434 tỷ đồng), tỷ lệ 30,25%; Bạc Liêu năm 2011 bố trí vốn 1.190,5 tỷ đồng cho danh mục các dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư 7.486 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên: vốn cần bố trí trong năm 2012 và các năm sau cho 1.391 dự án (đã và đang thực hiện đến hết năm 2011) là 6.571,1 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án nhiều lần làm tăng quy mô đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện; chất lượng khảo sát không đảm bảo; lập dự án chưa xác định rõ cơ cấu nguồn vốn; đầu tư thiếu đồng bộ... làm giảm hiệu quả đầu tư.

- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn nhiều thiếu sót, hạn chế; chất lượng khảo sát kỹ thuật không đảm bảo; thiết kế kỹ thuật, dự toán không phù hợp, còn phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện; lập dự toán còn tình trạng tính thừa, thiếu khối lượng, áp sai đơn giá, định mức, dẫn đến dự toán được duyệt không chính xác; phê duyệt bổ sung thiết kế, dự toán không đúng quy định; lập biện pháp thi công không phù hợp.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại hầu hết các dự án chậm, thực hiện không triệt để dẫn đến đình hoãn, kéo dài thời gian thực hiện dự án; thực hiện bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định.

- Công tác lựa chọn nhà thầu nhìn chung vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế chưa được khắc phục. Đặc biệt, chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao: Bộ Nông nghiệp và PTNT có 737 gói thầu được chỉ định thầu; Bộ LĐTB&XH 88/146 gói; Bộ Văn hóa TT&DL 245/280 gói; Tổng Cục Thuế 371/421 gói; tỉnh Hải Dương 70/131 gói; tỉnh Bến Tre 223/297 gói...;

Công tác đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu không đúng quy định, cá biệt còn tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu. Điển hình là ở Bộ Nội vụ: Chủ đầu tư phê duyệt giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng để chỉ định thầu không đúng quy định (gói thầu Trung tâm Bảo hiểm Tài liệu Lưu trữ Quốc gia); Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT Nông thôn năm 2011 (công trình cấp nước xã Hồng Quang, công trình cấp nước liên xã Tân Việt - Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên); một số dự án thuộc tỉnh Bình Thuận, Long An, Yên Bái, Chương trình 30a tại tỉnh Kon Tum...

Bên cạnh đó, giá trị trúng thầu lớn hơn giá trị gói thầu vẫn xảy ra, như tại Bộ Nội vụ: Gói thầu EPC (Gói 04) của dự án Trung tâm Tu bổ Phục chế tài liệu lưu trữ, giá trị trúng thầu lớn hơn giá trị gói thầu được duyệt 6,1tỷ đồng; tỉnh Cà Mau (Dự án cống Hương Mai, gói thầu số 06)…

Việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực; xác định tiên lượng mời thầu còn nhiều sai sót, công tác xét thầu, tư vấn chấm thầu chưa phát hiện làm rõ, hiệu chỉnh và loại bỏ sai sót, chi phí thừa dẫn đến giá trị trúng thầu chưa chính xác; hồ sơ mời thầu nêu rõ nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại hàng hóa, thiết bị...

Việc thương thảo và ký kết hợp đồng còn nhiều hạn chế; một số hợp đồng được ký kết nội dung chưa đầy đủ, chặt chẽ; chưa quy định cụ thể điều khoản thưởng, phạt do vi phạm hợp đồng; điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp với quy định.

- Tình trạng thi công không đảm bảo tiến độ xảy ra tại hầu hết các dự án, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài qua nhiều năm không có biện pháp khắc phục. Kéo dài nhất là dự án Nhà văn hóa Lao động Thừa Thiên Huế với thời gian 10 năm do chậm bố trí vốn; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2: Dự án NMNĐ Uông Bí mở rộng chậm tiến độ 42 tháng, Dự án NMNĐ Uông Bí mở rộng 2 chậm 17 tháng; Dự án Xây dựng đường cao tốc sân bay Liên Khương - Chân đèo Prenn; Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án khôi phục Quốc lộ 1 Giai đoạn 3 sử dụng vốn vay WB…

Nguyên nhân là do việc kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ thi công chưa được thực hiện thường xuyên; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc.

- Công tác quản lý chất lượng công trình còn hạn chế; còn tình trạng thi công không đúng thiết kế; sử dụng vật liệu thi công không đúng chủng loại, quy cách; áp dụng biện pháp thi công không phù hợp; năng lực giám sát và việc chấp hành chế độ hồ sơ, nhật ký thi công còn nhiều bất cập; chất lượng một số công trình, dự án chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng. Rõ ràng nhất là ở một số dự án thuộc Bộ GTVT: Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc, dự án đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, dự án Quốc lộ 48-2 đoạn Yên Lý-Nghĩa Thuận thuộc dự án WB4; một số công trình thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung; Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 đoạn Gò Công - Mỹ Tho (gói 5 và 7); Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 2 và gói thầu số 5)…

- Nghiệm thu, quyết toán tại các dự án còn nhiều hạn chế; nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, định mức; nghiệm thu thanh toán khi chưa có khối lượng hoàn thành và chưa đủ điều kiện, thủ tục như: Dự án Quốc lộ 32A, chủ đầu tư thanh toán số tiền 4,8 tỷ đồng khắc phục lún trượt cho nhà thầu khi chưa làm rõ trách nhiệm các bên liên quan; Dự án xây dựng công trình Thủy điện Sơn La 42,7 tỷ đồng; Dự án Phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải: Gói thầu số 2 xảy ra tình trạng sụt trượt, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa làm rõ trách nhiệm vẫn nghiệm thu thanh toán 15 tỷ đồng; Dự án Trung tâm sản xuất chương trình truyền hình thuộc Trung tâm truyền hình Việt Nam 13,8 tỷ đồng; Dự án Đường dây 500 Kv Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan 14,5 tỷ đồng…

Thậm chí một số dự án, giá trị thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt, như tại Bộ Y tế có 08 dự án, với số tiền vượt quyết toán được duyệt là 1,8 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên 86 dự án số tiền 1,07 tỷ đồng;

Việc xử lý số dư tạm ứng của các dự án còn chậm, kéo dài qua nhiều năm chưa có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là đối với các dự án đã dừng thi công, một số địa phương có số dư tạm ứng lớn...

- Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư tại nhiều đơn vị còn kéo dài, không đảm bảo quy định về thời gian. Cụ thể như Bộ GTVT còn 154/385 dự án hoàn thành chưa nộp báo cáo quyết toán vốn; tỉnh Vĩnh Phúc có 481 dự án hoàn thành chậm nộp hồ sơ quyết toán, số dự án đã lập hồ sơ quyết toán chưa thẩm tra 221 dự án; tỉnh Điện Biên có 89/92 dự án lập quyết toán chậm, còn 268 dự án đã hoàn thành nhưng chưa lập báo cáo quyết toán…

Tình trạng hồ sơ quyết toán còn nhiều thiếu sót, nội dung chưa đầy đủ; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán vượt tổng mức đầu tư, quyết toán sai nguồn vốnvẫn còn tồn tại./.

Phương Anh