Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Haiti ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư

Trước lễ ký kết, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Haiti đã hội đàm với Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả bản ghi nhớ về thương mại giữa Việt Nam và Haiti, đặc biệt trong việc đảm bảo cung cấp gạo với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh cho Haiti. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ thương mại với Haiti theo hướng giảm các rào cản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thị hiếu người dân Haiti. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ hợp tác của Ủy ban hỗn hợp về những cơ hội hợp tác trong công nghệ, nông nghiệp (đặc biệt là lúa gạo) trên cơ sở năng lực của hai nước.

Việt Nam cũng muốn cung cấp cho Haiti các sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng, các dự án về hạ tầng có chất lượng, giá cả cạnh tranh để khắc phục lại những hậu quả sau vụ động đất ở Haiti. Việc hợp tác với Haiti trong xây dựng hạ tầng có thể dưới hình thức liên doanh, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật...

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để có thể thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước, Việt Nam muốn Haiti tạo dựng khung pháp lý thuận lợi hơn, đặc biệt trong việc hoàn thiện các văn bản pháp lý về đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia thị trường Haiti sớm nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trong các lĩnh vực về hàng tiêu dùng (như dệt may, da giầy), năng lượng, điện và điện tử, các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến...

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Haiti, Wilson Laleau đã cám ơn trước những giúp đỡ của phía Việt Nam cho Haiti. Bộ trưởng Wilson Laleau phát biểu, ngoài việc cung cấp gạo cho Haiti với giá và chất lượng tốt, Haiti mong muốn Việt Nam sẽ giúp đỡ về kỹ thuật để nâng cao sản lượng gạo của Haiti.

Bộ trưởng Wilson Laleau cho biết thêm, công cuộc tái thiết của Haiti sau vụ động đất đòi hỏi cần phải xây dựng lại nhiều cơ sở hạ tầng và phải xây theo chuẩn mực mới, phát triển hệ thống đường, cảng biển, do vậy đây là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tham gia thị trường Haiti.

Hiện nay, 43% các tàu, thuyền trong vận chuyển quốc tế đi cách bờ biển của Haiti chỉ 10km và Haiti có lợi thế so sánh khi vận chuyển hàng vào Trung Mỹ, cách Mỹ chỉ 1,5 giờ bằng máy bay. Ngoài ra, năm 2015, kênh đào Panama sẽ được khơi thông và đây là cơ hội rất lớn để các tàu của châu Á có thể vận chuyển một số lượng hàng lớn đến với Haiti. Nếu Haiti có một hệ thống cảng biển cũng như cơ sở hạ tầng tốt thì có thể đón nhận được nhiều hàng hóa ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Hàng Việt Nam muốn cạnh tranh được thì phải vận chuyển với số lượng lớn để giá thành hạ. Vì vậy, Haiti muốn cùng với Việt Nam thành lập những liên doanh trong xây dựng hạ tầng cũng như dây truyền phân phối để làm sao phân phối được hàng hóa của Việt Nam tại Haiti một cách tốt nhất.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Haiti năm 2012 đạt 30,6 triệu USD (so với 40 triệu USD năm 2011), trong đó Việt Nam xuất 9,8 triệu USD và nhập 20,8 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Haiti đã tăng 355% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 20,2 triệu USD

Ngoài ra, Haiti cũng muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính để huy động nguồn lực phát triển kinh tế. Bộ trưởng Wilson Laleau phát biểu, với mong muốn dó, Haiti hy vọng thời gian tới sẽ có đại diện của các ngân hàng Việt Nam ở Haiti để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại đây, đồng thời chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm với các dồng nghiệp của Haiti.

Một lĩnh vực mà Bộ trưởng Wilson Laleau nhấn mạnh tại buổi hội đàm là mong muốn hợp tác với Việt Nam trong quản lý và phân phối điện. Lấy ví dụ về mô hình hợp tác rất thành công của Viettel tại Haiti, Bộ trưởng Wilson Laleau mong muốn Việt Nam có một doanh nghiệp đến giúp Haiti để phát triển sản xuât điện cũng như quản lý hệ thống này.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, lĩnh vực hợp tác về năng lượng là rất khả thi và Việt Nam có kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ. Với việc Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Haiti được ký kết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành sớm đưa các doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát và tìm hiểu cụ thể thị trường Haiti trong thời gian tới./.

Anh Đức