Nhìn vốn giải ngân, không thể nói suy giảm

Trong chương trình "Dân hỏi, bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, việc Nhật Bản đổ hàng tỷ USD vào Myanmar là không chính xác, bởi nước này mới mở cửa cách đây chưa đầy một năm. Hiện nay, các nước đều đang rất quan tâm đến thị trường Myanmar, trong đó có Nhật Bản, nhưng cũng chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, thăm dò để có những dự án lớn, chứ chưa có đầu tư lớn như vậy tại đây.

Tuy nhiên, thông tin về Thái Lan và Indonesia thì đúng là như vậy. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích, hai nước này vốn là thị trường rất hấp dẫn trong khu vực châu Á, họ đã mở cửa thu hút đầu tư trước Việt Nam rất nhiều và có một môi trường thu hút đầu tư nước ngoài rất cạnh tranh, nên việc Nhật Bản có tới 7000 doanh nghiệp hiện đầu tư ở Thái Lan so với 1500 doanh nghiệp ở Việt Nam cũng là điều bình thường.

Bộ trưởng phân tích, trong ba năm vừa qua (2011- 2013), thì vốn đăng ký của chúng ta nhìn chung không giảm nhiều lắm, mặc dù có giảm so với một số năm đỉnh cao (như năm 2009), nhưng vốn thực hiện không suy giảm nhiều. Bộ trưởng đưa thêm dẫn chứng, số liệu từ năm 2005-2013 về vốn thực hiện bình quân chung là ở mức 11 tỷ USD, 6 tháng đầu năm chúng ta cũng đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư đang rất yên tâm hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, các địa phương đã chặt chẽ hơn, cho nên sự chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện đang ngày càng thu hẹp khoảng cách lại, điều đó là rất tốt.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải thêm, cách đây 20 năm, chúng ta là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư, vì khi đó giá lao động rất rẻ, tài nguyên môi trường nhiều, ưu đãi lớn do mới mở cửa, thậm chí còn bỏ tiền giải phóng mặt bằng cho họ 100%. Nhưng bây giờ, lợi thế đó dần mất đi rồi, và chúng ta bắt đầu thắt chặt lại, chọn dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít ô nhiễm môi trường hơn..., trong khi hạ tầng, thủ tục hành chính của chúng ta chưa cải thiện nhiều, thì môi trường đầu tư bị giảm xuống là dễ hiểu. Nhân công giá rẻ cũng không còn là lợi thế của Việt Nam nữa khi mà kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người đã ở mức trung bình thấp của thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2012; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012; khu vực FDI xuất siêu 5,413 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 1,403 tỷ USD.

Khó phạt nhà đầu tư chậm tiến độ

Trước thông tin nhiều dự án FDI bị thu hồi do để hoang hóa, hoặc không đảm bảo tiến độ nhưng không có chủ đầu tư nào phải bồi thường. Trong khi để có đất sạch giao cho các chủ đầu tư, thì hàng ngàn hộ gia đình phải di dời, nhượng lại đất canh tác, thậm chí là đất ở.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, chế tài để phạt các nhà đầu tư như vậy hiện còn chưa đầy đủ, trên thế giới cũng không nước nào có chế tài như vậy. Việt Nam và các nước đều có chung quy định là nếu chậm tiến độ, thì thu hồi dự án. Hiện Việt Nam đang học tập kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lý tiến độ thực hiện các dự án FDI. Về chủ trương thì tạo điều kiện rất thuận lợi, nhanh chóng trong cấp phép đầu tư cho dự án. Sau một thời gian, chúng ta sẽ kiểm tra lại và cấp phép thực tế căn cứ vào công nghệ mà dự án đang sử dụng để áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp.

Chi phí thu hút FDI cũng là vấn đề rất được quan tâm, nhiều người băn khoăn không biết để thu hút 1 đồng USD vốn FDI thì chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu chi phí về xúc tiến đầu tư, ưu đãi về thuế, tài nguyên, đất, đầu tư cơ sở hạ tầng...? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, không một quốc gia nào có thể tính được điều này, nhưng từng dự án, chúng ta có thể tính được mức bỏ ra và thu về để xem xét dự án đó được thực hiện hay không. Bộ trưởng nhấn mạnh, cho đến nay, vốn FDI đang chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu đầu tư tại Việt Nam, chiếm 25% tổng đầu tư toàn xã hội, 60% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho 2 triệu lao động, đem đến công nghệ mới, cách quản lý mới, đổi mới cơ cấu kinh tế của Việt Nam... Những điều này là không thể phủ nhận./.

Anh Đức