Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 28/6/2013 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Chỉ phê duyệt khi có vốn

Theo Chỉ thị 14/CT-TTg, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương là phải chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định.

Đối với việc điều chỉnh dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Các dự án phê duyệt quyết định đầu tư hoặc phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh trước khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ, phải rà soát các nội dung đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong phạm vi quản lý của ngân sách cấp mình.

Đối với các dự án phê duyệt hoặc điều chỉnh quyết định đầu tư sau khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thì phải rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án, hiệu quả đầu tư nhằm giảm chi phí đầu tư, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Sau khi áp dụng các giải pháp trên, nếu dự án vẫn phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định dừng những dự án không bảo đảm hiệu quả đầu tư, chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn. Trong phạm vi cân đối ngân sách của cấp mình, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh dự án.

Chỉ thị cũng nêu rõ, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định.

Đối với những dự án có thể chuyển đổi hình thức đầu tư theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức rà soát các nội dung đầu tư và phê duyệt lại các dự án theo quy định hiện hành cho phù hợp với các quy định của pháp luật đối với hình thức đầu tư mới.

Tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Cũng theo Chỉ thị 14/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 30/6/2013 và các giải pháp xử lý nợ đọng trong thời gian tới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp. Kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao. Không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu. Không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, không bố trí vốn ngân sách trung ương, bao gồm: nguồn vốn kế hoạch hàng năm, ứng trước kế hoạch năm sau, dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn ngân sách trung ương khác cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn; phê duyệt quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các dự án chuyển tiếp điều chỉnh tổng mức đầu tư./.

Anh Đức