Chiều 25/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

FDI góp phần nâng cao trình độ công nghệ

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới, 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Cũng theo Thứ trưởng Phương, có hai tác động tích cực lớn trong thu hút và chuyển giao công nghệ trong hoạt động FDI tại Việt Nam:

Một là, thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Thu hút được một số công nghệ tiên tiến, hiện đại sản xuất ra các sản phẩm mới, mà trước đây Việt Nam chưa có. Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao với hình thức, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước, góp phân thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, như: cơ khí, chế tạo…

Hai là, do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập các thiết bị và dây chuyền công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng, như: sản phẩm may mặc, giày da, thực phẩm. Đây có thể coi là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp. Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên nhờ cách tiếp cận này.

Song, quá trình chuyển giao chưa mạnh mẽ

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương lưu ý, các dự án FDI chủ yếu là lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam chưa cao. FDI cũng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý chưa được như kỳ vọng, đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp còn có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm quy định về môi trường…

Đặc biệt, nguồn vốn FDI được kỳ vọng sẽ giúp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Nhưng thực tế, sau 30 năm thu hút nguồn vốn này, kết quả chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.

“Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi, chưa tạo được tác động lan tỏa từ FDI sang doanh nghiệp trong nước, chưa đáp ứng được sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Phương nói.

Toàn cảnh hội thảo

Phân tích sâu hơn về nguồn vốn FDI, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi nhanh về năng suất trong thời gian qua. Song, đóng góp của công nghệ là không nhiều, điều này đúng với cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, theo ông Thắng, công nghệ của các doanh nghiệp FDI cũng không vượt trội nhiều hơn so với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong khoảng thời gian 5 năm gần đây là rất thấp, trung bình 14%, trong khi phần lớn công nghệ được sử dụng là trong thời gian trên 10 năm.

“Nếu so sánh công nghệ sử dụng giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, thì không có sự khác biệt đáng kể", TS. Thắng nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo TS. Trần Toàn Thắng, công nghệ đến từ các nước châu Âu, Mỹ, nơi được coi là có công nghệ hiện đại, chiếm tỷ lệ rất thấp, trung bình chỉ 6% công nghệ mà doanh nghiệp hiện đang sử dụng và cũng không khác biệt nhiều giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thậm chí, các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ từ Trung Quốc khá nhiều, cao hơn cả doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Đánh giá tác động lan tỏa của FDI tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực doanh nghiệp trong nước.

“Tuy nhiên, tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI vẫn còn yếu, có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trong nước chưa liên kết sản xuất được với doanh nghiệp FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô sản xuất”, TS. Tuệ Anh nói.

Tạo sức bật lan tỏa công nghệ

Để nâng cao hiệu quả từ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và hợp tác, liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cần tăng năng lực để sẵn sàng liên kết, hấp thu công nghệ và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng; chính sách phát triển doanh nghiệp cần hướng đến tăng quy mô của doanh nghiệp; khuyến khích quy mô lớn; phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết.

Liên quan đến chính sách đối với hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân…

Bổ sung thêm, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi tài chính phù hợp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính và không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc tiếp nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, TS. Nguyễn Hữu Xuyên gợi ý./.