Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên thảo luận ngày 7/6 (Ảnh: TNO)

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong việc bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Bộ trưởng cũng cho cho biết chương trình này hơi dài (khoảng 7 năm) nên tồn tại nhiều vấn đề. Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề này và có giải pháp quyết liệt để khắc phục.

“Từ năm 2003 đến nay, chương trình này đã góp phần quan trọng tạo nên thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, cần phải đánh giá đúng mức vấn đề này để có cái nhìn đúng cho giai đoạn tiếp theo.”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ.

Ngoài những hạn chế, Bộ trưởng Vinh cho rằng, cần phải nhìn nhận đánh giá một cách công bằng đúng mức hơn với chủ trương phát hành và tác dụng của TPCP.

“Tôi cho rằng chủ trương này hoàn toàn đúng và cần thiết bởi vì thực tế ngân sách nhà nước của chúng ta cho đầu tư rất nhỏ bé, ngoài cân đối nằm trong ngân sách của các địa phương, thì phần hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho các địa phương là rất hạn chế, rất ít. Cho nên, tất cả những công trình lớn, như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, tái định cư, thủy điện..., nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội, ngoài một phần là vốn ODA (vay nước ngoài), thì đều phải sử dụng trái phiếu Chính phủ mà có”, vị tổng tư lệnh Bộ tham mưu, tổng hợp chia sẻ.

Đề cập vấn đề phân bổ vốn TPCP, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Nguồn vốn này không được phân bổ theo nguyên tắc tỉnh lớn được nhiều, tỉnh nhỏ được ít, mà theo các tiêu chí Quốc hội, Chính phủ đã thông qua. Các địa phương, bộ ngành phải xây dựng được các dự án đúng hạn. Căn cứ danh mục công trình được phê duyệt đúng tiêu chí, các Bộ tổng hợp sẽ trình Chính phủ, Quốc hội.

“Cho nên có những tỉnh tụ hợp được nhiều yếu tố là các công trình của trung ương , các công trình quan trọng. Phù hợp với đó nó được nhiều tỉnh không có dự án hoặc không đủ tiêu chí, thì nó ít và ở đây có một số tỉnh không có trái phiếu Chính phủ”, Bộ trưởng giải trình thêm.

Do đó, tuy cần xem đến yếu tố vùng miền, nhưng phải căn cứ trên dự án cụ thể; không thể dùng TPCP chia đều cho các địa phương.

Về vấn đề lãng phí, thất thoát, theo Bộ trưởng, những hạn chế, khuyết điểm có nhiều trong suốt quá trình 7 năm với nhiều giai đoạn, ở các cấp quản lý là các địa phương và các bộ, ngành.

Bộ trưởng đánh giá, cơ bản ở các bộ, ngành quản lý tương đối tốt. Còn ở 62 tỉnh, thành phố có sử dụng TPCP, thì ở các cấp độ khác nhau, trình độ quản lý, xây dựng dự án khác nhau, nên cũng xảy ra rất nhiều sai phạm.

Sai phạm lớn nhất, dễ thấy đó là việc tăng tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, việc tăng tổng mức đầu tư cũng được giải trình rất có lý. Ngay trong giám sát đợt này cũng không chỉ ra được công trình nào sai phạm, sai phạm ở đâu, tổng mức thất thoát là bao nhiêu, mà chúng ta chỉ cảm nhận được như vậy.

“Đây là cái khó, mà chúng tôi nghĩ, tới đây các đại biểu Quốc hội cần phải tăng cường giám sát chính các công trình và các bố trí của chính địa phương mình. Bởi, hiện nay 62 tỉnh sử dụng cái này và đấy là số vốn lớn nhất cần phải được giám sát cụ thể chúng ta mới tìm ra được, mới cùng nhau khắc phục được”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Cho biết rằng, không phải Chính phủ đến bây giờ mới nhận thấy những hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Vinh cho biết, ngay từ năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ đánh giá cùng Ủy ban tài chính ngân sách và các cơ quan đánh giá lại cái được, cái chưa được của giai đoạn trước.

Do đã bố trí danh mục quá nhiều, nên “cần phải phanh lại để tập trung”. Vì thế, từ năm 2011 đến nay, không phát sinh những danh mục công trình mới mà chúng ta hoàn toàn chỉ bố trí cho những công trình cũ theo những tiêu chí trình Quốc hội đã được Quốc hội thông qua.

Từ kế hoạch 2012 - 2015 đã được phân bổ rất mạch lạc và không tăng thêm một công trình nào, trừ 5 công trình báo cáo trước Quốc hội.

“Đến nay đã có 2.029 danh mục công trình hoàn thành và còn hơn 800 danh mục đang triển khai, nhưng cho đến năm 2015, thì cơ bản các danh mục công trình sẽ hoàn thành, chỉ còn khoảng 79 công trình sẽ chuyển sang giai đoạn sau 2015 và một số công trình mà các bộ, ngành và địa phương đã tính toán thấy chưa cần khởi công mà chưa khởi công thì dừng lại”, Bộ trưởng Vinh cho biết thêm.

Quan điểm đầu tư trước hết các bộ, ngành, địa phương phải tập trung để tháo gỡ, giải quyết bằng mọi nguồn lực để tập trung cho các công trình đang dở dang.

Nếu bố trí vốn, thì cũng phải bố trí theo rà soát từng danh mục công trình cấp thiết và số vốn cụ thể được kiểm soát, bởi vì sau khi chúng ta làm rất chặt chuyện bố trí 4 năm và yêu cầu địa phương gói gọn trong đó và chịu trách nhiệm rà soát lại, cho đến nay 6 bộ quản lý vốn TPCP và 62 địa phương có liên quan, hầu hết các địa phương đều rà soát lại và cắt đi những hạng mục không cần thiết. Vì thế, dự kiến chỉ cần khoảng trên 200.000 tỷ đồng cần bổ sung thêm cho các mục này. Về giải pháp khắc phục dàn trải, người đứng đầu Bộ tham mưu, tổng hợp đề xuất giải pháp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập dự án cụ thể, được phê duyệt tổng mức đầu tư hẳn hoi, chính xác để từ đó trình lên Chính phủ xem xét, lựa chọn và trình ra Quốc hội từng danh mục một. Căn cứ vào tổng mức danh mục đó, Quốc hội sẽ quyết định mức TPCP tương thích với những danh mục công trình mà Quốc hội thấy quan trọng.

“Như vậy sẽ không ai phải xin cho và tổng mức được đi thẳng vào thẳng từng công trình sẽ không có dàn trải và chúng ta kiểm soát được việc này”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Giải pháp đó cộng với những giải pháp Chính phủ vừa mới làm như Chỉ thị 1792, bố trí 4 năm trái phiếu cho từng danh mục trình, thì “sang giai đoạn 2016-2021, chúng ta sẽ có được một cách làm khoa học hơn và TPCP sẽ có hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Vinh khẳng định./.

An Nhi